1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Siêu bão” vào biển Đông, lũ ĐBSCL vượt mức lịch sử

(Dân trí) - Chiều tối nay (1/10), bão số 6 đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông, giật cấp 14, cấp 15. Trong khi đó, lũ ở các sông miền Nam đang ở mức đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, lúc 13h trưa nay (1/10), vị trí tâm bão Nalgae (số 6) đã ở trên khu vực đảo Lu-dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Theo cơ quan khí tượng, với sức gió nhanh và mạnh như hiện nay, khoảng chiều tối nay, bão sẽ đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông.

Đến 13h ngày 2/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14, cấp 15.

“Siêu bão” vào biển Đông, lũ ĐBSCL vượt mức lịch sử - 1

Đường đi của bão số 6. (Ảnh: NCHMF)

Đến 13h ngày 3/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 90km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Chuyên gia khí tượng dự báo, bão số 6 cũng có sức mạnh tượng tự với cơn bão số 5 và có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực miền Trung nước ta.

Trong khi các địa phương miền Bắc vừa chịu ảnh hưởng của bão số 5 còn đang khắc phục hậu quả thì ở khu vực phía Nam lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang dao động ở mức đỉnh và ở mức lũ đặc biệt lớn, một số nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử. Như tại trạm Long Xuyên đã đo được mực lũ cao trên báo động 3, vượt lịch sử năm 1978; trạm Cần Thơ trên báo động 3, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2006; trạm Ô mới vượt mức báo động 3, vượt lũ lịch sử năm 1961.
 
Dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao.

Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo cần chủ động phòng chống lũ đặc biệt lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.  

P. Thanh