1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Siêu bão Mangkhut đổ bộ, Hà Nội cần tính toán cấm lưu thông qua một số cây cầu

(Dân trí) - Dự kiến, khoảng trưa thứ Hai tuần sau (17/9), siêu bão Mangkhut sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ với cường độ giảm xuống còn khoảng cấp 9-10, gió giật cấp 11-12. Thời điểm bão đổ bộ, Hà Nội sẽ có gió giật cấp 7-8. Các chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội cần tính toán có thể phải cấm lưu thông qua một số cây cầu.

Chiều nay (13/9), Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về diễn biến cơn siêu bão Mangkhut sắp vào Biển Đông trong những ngày tới.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin, lúc 17h chiều nay (13/9), siêu bão Mangkhut đang ở cấp 16-17 (rất mạnh). Siêu bão Mangkhut đang hướng vào khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Ông Lê Thanh Hải.
Ông Lê Thanh Hải.

"Hi vọng khi siêu bão Mangkhut khi vượt qua bán đảo Lôi Châu đi vào Biển Đông sẽ bị ma sát và cộng với vòng đời của bão khi lên đến đỉnh điểm sẽ giảm xuống nên khi vào Biển Đông vào sáng sớm ngày 15/9 sẽ giảm cấp, còn cấp 14-15, nhưng gió giật vẫn rất mạnh cấp 16-17" - ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, hiện nay các trung tâm dự báo quốc tế và Việt Nam đều dự báo đường đi của siêu bão Mangkhut sẽ vào Vịnh Bắc Bộ rồi đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Bắc của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện dự báo cường độ siêu bão vẫn là bài toán khó. Dự báo, khi vào Vịnh Bắc Bộ, siêu bão Mangkhut sẽ giảm xuống còn cấp 10-11, gió giật cấp 13-14; vùng gió mạnh sẽ bao kín khu vực Vịnh Bắc Bộ từ sáng sớm ngày 16/9 kéo dài đến sáng sớm ngày 17/9.

"Theo tính toán của chúng tôi, khả năng trưa ngày 17/9, bão Mangkhut sẽ vào đất liền các tỉnh ven biển miền Bắc. Thời điểm bão vào đúng lúc thủy triều lên, do đó, nước dâng do bão có thể lên tới 4m. Chính vì vậy, các tuyến đê biển từ Móng Cái - Quảng Ninh đến Nghệ An phải hết sức lưu ý. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, du lịch trên các đảo ở khu vực Vịnh Bắc Bộ cũng cần hết sức lưu ý để tránh thiệt hại" - ông Hải cảnh báo.

Nói về kịch bản hướng đi của bão Mangkhut, ông Hải cho biết, hiện nay có 2 kịch bản: Bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (60%) và đi vào giữa Vịnh Bắc Bộ (40%). Do đó, rìa phía Nam của vùng trung tâm bão có thể ảnh hưởng gió mạnh tới tỉnh Quảng Trị.

Mắt của siêu bão Mangkhut.
Mắt của siêu bão Mangkhut.

Cuối cùng, ông Hải đặc biệt lưu ý, khoảng chiều 17/9, miền Bắc sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa dồn dập từ ngày 17-19/9, lượng mưa cả đợt khoảng 300-400mm. Thời điểm này là cuối mùa mưa, các hồ chứa ở Bắc Bộ đều có dung tích nước rất lớn, do đó, các đơn vị liên quan cần tính toán trước để phương án đối phó với đợt mưa này.

Cũng liên quan đến cơn bão Mangkhut, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cảnh báo, khi bão đổ bộ, khu vực Hà Nội sẽ có gió giật cấp 7-8, do đó, Hà Nội cần phối hợp với cơ quan chuyên môn, căn cứ vào tình hình thực tế có thể phải cấm người, phương tiện lưu thông qua các cây cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Tuy,...thời điểm đó.

Tổng cục Khí tượng thủy văn đang theo dõi sát siêu bão Mangkhut.
Tổng cục Khí tượng thủy văn đang theo dõi sát siêu bão Mangkhut.

Còn theo bà Trịnh Thu Phương – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ, nếu kịch bản xấu nhất như nói ở trên, miền Bắc sẽ hứng chịu một đợt mưa lớn khi bão Mangkhut đổ bộ thì khả năng cao xuất hiện lũ trên các sông ở Bắc Bộ như sông Thao, sông Đà, sông Bưởi, sông Bùi ở mức báo động 3.

"Một số tỉnh như Sơn La, Hòa Bình trong thời gian qua liên tiếp có mưa lớn, vài ngày tới có mưa lớn cộng với thủy điện Hòa Bình xả lũ thì rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng bị ảnh hưởng mưa trong đợt này, chính vì thế khu vực này cũng cần hết sức chú ý" - bà Phương lưu ý.

Nguyễn Dương