1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Góp ý về giải pháp kiềm chế lạm phát:

Siết đầu tư công, chuyển vốn sang dân doanh

Nếu Chính phủ cắt giảm đầu tư công từ khối doanh nghiệp nhà nước để chuyển sang hỗ trợ khối doanh nghiệp dân doanh thì sẽ chống được lạm phát mà không giảm tốc độ tăng trưởng.

Trong đầu tư công có ba nhóm chính: đầu tư bằng tiền ngân sách nhà nước chiếm tới gần 50% tổng đầu tư toàn xã hội, tín dụng nhà nước chiếm hơn 9%, số còn lại là đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước. Chủ yếu vốn nhà nước được rót cho các tổng công ty, tập đoàn lớn.

 

Chỉ tính riêng năm 2007, tổng đầu tư của toàn xã hội là hơn 460.000 tỷ đồng, khu vực nhà nước chiếm gần một nửa. Như vậy nhà nước đang là nhà đầu tư áp đảo, dẫn dắt thị trường, nên nhất cử nhất động của nhà nước đều tác động tới diễn biến của thị trường. Trong bối cảnh lạm phát, ngân hàng nhà nước đã thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ. Nếu Chính phủ lại tiếp tục đầu tư sẽ là rất mâu thuẫn và không đạt được kết quả mong đợi. Vì vậy, chính phủ cắt giảm đầu tư công là một giải pháp đồng bộ kết hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

 

Dích dắc thủ tục, kỹ thuật...

 

Các giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra đều hợp lý. Tuy nhiên, ở khâu thực hiện có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ta muốn cắt giảm đầu tư công thì phải đánh giá lại hiệu quả của các dự án. Phải thống kê được các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước đã nhận bao nhiêu tiền đầu tư và thu lợi nhuận về được bao nhiêu, đã tạo bao nhiêu công ăn việc làm.

 

Có thể thống kê là thấy ngay tổng số tiền đầu tư công rót cho các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước mang lại hiệu quả kém. Chính phủ muốn cắt giảm đầu tư công thì cắt giảm ở đâu? Những hạng mục công trình lớn Quốc hội đã phê chuẩn thông qua nay Chính phủ muốn dừng hay cắt giảm thì phải được sự chấp thuận của Quốc hội. Cái thứ hai là ở khâu kỹ thuật. Định nghĩa cho được thế nào là kém hiệu quả. Nhiều công trình đã được thẩm định nhưng cũng còn nhiều công trình không được thẩm định. Đó là chưa nói tới việc đầu tư công của nước ta vẫn chưa tính đến yếu tố lạm phát ở khâu tổ chức các công trình mà mới chỉ tính đến yếu tố trượt giá. Chẳng hạn năm 2007, các công trình xây dựng lớn, vật liệu xây dựng có chỉ số trượt giá cao cũng chỉ khoảng 2%-3% mà lạm phát lên tới 12,6%. Cho nên theo tôi, bây giờ rất khó để đánh giá dự án nào hiệu quả, dự án nào không hiệu quả.

 

Buộc doanh nghiệp tự siết mình

 

Chính phủ sẽ cắt giảm đầu tư công nhưng không phải cắt giảm cục bộ. Nên quy định mỗi tổng công ty, tập đoàn phải cắt giảm 20%/tổng giá trị đầu tư nhưng sẽ giao khoán cho họ. Chẳng hạn họ có 10 dự án đầu tư công sẽ để chính họ tự quyết định cắt giảm ba dự án cụ thể. Những dự án được chọn cắt giảm sẽ trình lên Chính phủ xem xét và quyết định. Biện pháp này ngăn chặn các đơn vị lách luật bằng cách chỉ cắt giảm ba dự án nhỏ nhất.

 

Sau khi cắt giảm đầu tư công, Chính phủ sẽ làm gì với số tiền cắt giảm này? Nên chuyển số tiền đó sang hỗ trợ vốn cho khối tư doanh. Trước đây khối doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng nhiều lợi thế nên “lấn lướt” khối tư doanh - chỉ chiếm 35%/tổng đầu tư toàn xã hội. Cho nên nay chính phủ chuyển sang hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư doanh năng động sẽ giúp khối này tái cơ cấu. Việc làm này sẽ giúp chính phủ đạt được hai mục tiêu là vừa giải quyết lạm phát mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Tiến sĩ Nguyễn Chung Bình
Giảng viên Đại Học Harvard
Báo Pháp luật THCM