1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Siết chặt công tác quản lý các mỏ khai thác đá

(Dân trí) - Trước tình hình hoạt động khai thác đá gây nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong thời gian qua, việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá, đã trở nên cấp thiết.

Tai nạn luôn rình rập

Sau khi xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng có liên quan tới các mỏ khai thác đá, tháng 1/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác đá tại một số địa phương vừa xảy ra các vụ sạt lở mỏ đá nghiêm trọng và tại một số địa phương có nhiều hoạt động khai thác đá.

Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động khai thác đá vẫn luôn trong tình trạng mất an toàn. Phần lớn các mỏ đá có quy mô khai thác vừa và nhỏ, công suất khai thác dưới 100.000 m3/năm và thời gian khai thác không quá 5 năm.

Một số ít các mỏ lớn có công suất khai thác trên 100.000 m3/năm được khai thác chủ yếu để làm nguyên liệu sản suất xi măng và cung cấp cốt liệu phục vụ xây dựng các công trình thuỷ điện.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, các vụ tai nạn lao động xảy ra thường xuyên hơn tại các mỏ có quy mô khai thác vừa và nhỏ. Đây cũng là điều tất yếu, bởi các mỏ này thường không bảo đảm các yêu cầu để khai thác an toàn. Thậm chí còn tồn tại một số mỏ đá khai thác trái phép hoặc không phép.

Tuy nhiên trong năm 2007, một số vụ sạt lở nghiêm trọng lại xảy ra ngay tại các mỏ có quy mô khai thác lớn, điển hình là vụ lở núi đá tại mỏ đá D3 thuộc công trình xây dựng thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An).

Từ đó cho thấy, chúng ta đang ít quan tâm tới các điều kiện địa chất nên thiếu các dữ liệu để phục vụ việc thiết kế mỏ đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc phân định trách nhiệm cũng không được rõ ràng...

Công tác quản lý quá yếu kém

Rõ ràng từ trước đến giờ, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác đá chưa được quan tâm đúng mức. Việc bảo đảm an toàn khi tổ chức khai thác luôn trong tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Điển hình là theo kết quả kiểm tra, tại Hà Nam chỉ có 3 trong số 116 điểm mỏ có hồ sơ thiết kế cơ sở được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định; tại Hà Tĩnh, con số này là 1/64 điểm mỏ.

Trong công tác thanh, kiểm tra sau cấp phép khai thác, các cơ quan chuyên môn đã tỏ rõ sự thiếu đồng bộ, thiếu chế tài xử lý các vi phạm, đặc biệt là những vi phạm về kỹ thuật an toàn trong thiết kế và thi công khai thác đá.

Sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các Bộ ngành, địa phương cũng chưa thống nhất, rõ ràng. Chính quyền cơ sở còn chưa kiểm soát chặt nguồn tài nguyên khoáng sản đá, vẫn để tình trạng khai thác trái phép, không phép xảy ra.

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Dự thảo Chỉ thị về tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.

Trong đó có nội dung đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kiểm tra các mỏ đá đang được khai thác tại địa phương mình. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thấy hiện tượng mỏ đá bị mất an toàn, khai thác trái phép, không phép hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định đảm bảo an toàn trong thiết kế và thi công khai thác, đề nghị phải có biện pháp chấn chỉnh ngay.

Kiên quyết không cấp phép khai thác khi thiết kế cơ sở chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Hạn chế việc cấp phép khai thác cho các mỏ có công suất khai thác vừa và nhỏ.

Bộ Xây dựng tăng cường chỉ đạo lập và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch thăm dò khai thác đá. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động thăm dò, khai thác đá.

Bộ LĐTB&XH phối hợp với UBND các tỉnh, thành tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác đá; kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm và giải quyết các vụ tai nạn lao động...

Lan Hương