Sẽ xử lý giám đốc đăng kiểm, nếu để “lọt” xe vi phạm niên hạn…
Xe vi phạm niên hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải đang lưu hành mà vẫn “lọt” qua trung tâm kiểm định thì giám đốc trung tâm sẽ bị xử lý nghiêm.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trịnh Ngọc Giao
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính
Thưa ông, cơ sở kỹ thuật, công nghệ của ngành hiện có đủ để tiến hành đợt chấn chỉnh này?
Từ năm 2007 đến nay, tại 88 trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc đã có 34 dây chuyền kiểm định đồng bộ được lắp đặt mới và 100 thiết bị được trang bị bổ sung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT). Cục Đăng kiểm đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa thiết bị kiểm định, nâng cấp, nối mạng chương trình quản lý kiểm định xe cơ giới. Từ đó, tỉ lệ phương tiện gây tai nạn có lỗi do kỹ thuật đã giảm từ 9% trước năm 2000 xuống dưới 1% như hiện nay. Hy vọng qua đợt chấn chỉnh này sẽ càng có nhiều xe tốt lưu thông, tỉ lệ tai nạn do lỗi kỹ thuật của xe càng giảm hơn.
Các thủ tục hành chính sẽ được cải cách như thế nào để giảm phiền hà cho khách hàng?
Đây là công tác trọng tâm của Cục và sẽ được tiến hành theo hướng ngày càng công khai, minh bạch hơn. Ví dụ, Cục quy định các trung tâm phải công khai niêm yết quy trình đăng kiểm, thời hạn giải quyết công việc, số điện thoại đường dây nóng... Ngoài kiểm tra nội bộ, Cục tiếp tục phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, thanh tra giao thông... để kiểm tra, phát hiện và xử lý xe vi phạm niên hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải đang lưu hành. Nếu phát hiện xe nào phạm các lỗi trên mà vẫn “lọt” qua trung tâm kiểm định, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm giám đốc trung tâm đó.
Sai phạm thường ở đăng kiểm tư nhân
Vừa qua có trung tâm kiểm định xe ngoài giờ hành chính để né tránh sự kiểm tra của Cục, hoặc xe không vào kiểm định nhưng vẫn được cấp tem, sổ chứng nhận đã kiểm định...?
Đó là các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa, do tư nhân đầu tư. Ba năm qua, Cục đã đình chỉ chức danh của 17 đăng kiểm viên và đình chỉ hoạt động ba trung tâm đăng kiểm xã hội hóa.
Kiểm định các khâu khói, đèn ở một trung tâm đăng kiểm
Điều chỉnh mô hình xã hội hóa
Trước thực trạng đó, Cục có xem xét, đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh mô hình xã hội hóa trung tâm đăng kiểm không, thưa ông?
Có! Việc xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới sẽ tiếp tục được thực hiện nhưng cần xem lại việc có nên ủy quyền cho các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa do tư nhân đầu tư, khai thác cấp tem và giấy chứng nhận ATKT&BVMT nữa hay không. Vì lẽ, theo các quy định hiện hành, tem và giấy chứng nhận là những loại ấn chỉ quản lý nhà nước phải do cơ quan quản lý nhà nước, công chức cấp. Cạnh đó, phải xây dựng chế tài, xử lý sai phạm đối với các cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo của trung tâm đăng kiểm tư nhân nhằm đủ sức răn đe, ngăn chặn các sai phạm nghiêm trọng.
Vậy mô hình xã hội hóa đăng kiểm tới đây sẽ như thế nào?
Hiện Cục đang nghiên cứu một số phương án nhằm thay đổi mô hình hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa. Trong đó có mô hình doanh nghiệp chỉ tham gia đầu tư vào hạ tầng, thiết bị kiểm định, còn việc kiểm tra, cấp tem và giấy chứng nhận kiểm định sẽ do cán bộ, đăng kiểm viên là công chức, viên chức nhà nước thuộc các sở GTVT hoặc thuộc Cục đảm nhận. Một phương án khác là sẽ không giao cho nhiều doanh nghiệp như hiện nay nữa mà gom lại thành một số đầu mối để có thể quản lý tốt hơn mà vẫn bảo đảm được sự cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Cảm ơn ông!
.
“Chốt gác”, phí và ý thức người dân Cần nhìn nhận lại mục tiêu xã hội hóa đăng kiểm đã phù hợp với cơ chế tài chính, kinh tế và nhận thức của người dân hiện nay hay chưa. Ví dụ, với mức phí đăng kiểm khoảng 300.000 đồng/xe như hiện nay, rất khó có doanh nghiệp làm ăn chân chính nào muốn đầu tư vào vì rất lâu mới thu hồi vốn. Ở các nước phát triển, chủ xe luôn có nhu cầu được kiểm tra xe mình có an toàn hay không và muốn được hưởng dịch vụ kiểm định “gắt” nhất nhưng tốt nhất với giá phù hợp, thậm chí là cao để được xe tốt. Còn ở ta, không ít lái xe muốn đưa tiền để được khám nhanh, khám qua loa, bỏ bớt quy định. Đó là vấn đề đặt ra trong chủ trương xã hội hóa đăng kiểm, nơi được coi là một “chốt gác” để hạn chế tai nạn giao thông. Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trịnh Ngọc Giao |
Theo Lưu Đức - Hoàng Long
Pháp Luật TPHCM