Thừa Thiên Huế:
Sẽ tổ chức một lễ tế Xã Tắc quy mô, hoành tráng
(Dân trí) - Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế vừa cho biết sẽ tổ chức lễ phục dựng lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc, TP Huế vào ngày 24/3 tới; dự kiến huy động 500 người tham gia.
Lễ tế Xã Tắc là nghi lễ cúng thần Đất (Xã), thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, được tổ chức lần đầu tiên dưới thời triều tiền Lê. Chính vì thế các triều đại phong kiến trước đây đều cho lập đàn Xã Tắc và thường xuyên cúng tế.
Đây là một trong những lễ tế lớn và có tầm quan trọng trong việc cai trị nước của nền quân chủ phong kiến. Nó vừa mang ý nghĩa tôn giáo vừa mang màu sắc chính trị. Việc cho lập đàn Xã Tắc và tế Xã Tắc ở kinh đô và các địa phương của các triều đại phong kiến là một hoạt động không thể thiếu về mặt tinh thần của toàn dân trước đây.
Dưới thời Nguyễn, đàn Xã Tắc được xây dựng vào tháng ba năm Gia Long thứ 5 (1806). Đàn được đắp bằng đất sạch của tất cả các địa phương trong nước góp về. Hiện nay, đàn Xã Tắc thuộc phường Thuận Hóa, TP Huế. Đàn quay mặt hướng Bắc, gồm hai tầng hình vuông chồng lên nhau. Mặt nền đàn Xã Tắc được quét năm màu tương ứng với ngũ hành. Đàn Xã Tắc tại TP Huế còn tương đối nguyên vẹn hơn cả trong các di tích đàn Xã Tắc tại Việt Nam.
Ông Phan Thanh Hải, phó giám đốc trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết lễ tế lần này dự kiến sẽ huy động khoảng gần 500 người tham gia trong đó có sự đóng góp, tham khảo ý kiến của các chuyên gia lịch sử, văn hóa nhằm tổ chức một lễ hội thành quy mô và hoành tráng cũng như đầy đủ các nghi lễ truyền thống. Được biết vào dịp Fesival năm 2008, nghi lễ này cũng đã được dàn dựng và tổ chức khá công phu, hoàn hảo, thu hút rất đông các đoàn tham quan du khách và người dân tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống nền nông nghiệp nước nhà.
Lễ tế xã tắc năm nay dự kiến sẽ được tổ chức vào rạng sáng ngày 24/3 và sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo vào các dịp tháng 2 hàng năm. Hiện trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đang nhanh chóng xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ về lễ tế Xã Tắc để nghị UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phong Vân