1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ tiếp tục "quản lý" các PMU theo kiểu gì?

(Dân trí) - Sau hàng loạt tiêu cực xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình giao thông 18 (PMU18) dư luận cũng như các nhà nghiên cứu pháp luật đang đặt ra câu hỏi tại sao PMU18 lại có thể “kinh khủng” đến như vậy? Về mặt pháp lý, rõ ràng mô hình PMU đang có nhiều lỗ hổng lớn, vậy sẽ phải làm cách nào để đưa nó vào “khuôn khổ”?.

Dư luận sẽ càng không khỏi giật mình khi biết thông tin bên cạnh PMU18, tại Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) hiện có đến hàng chục PMU khác. Ngoài ra ở trong các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, thống kê sơ bộ cũng có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các PMU đang hoạt động.

Đi từ thực tế của PMU18

Sau hơn 10 năm thành lập, tại PMU18, hàng loạt sai phạm bị phanh phui, số tiền nhà nước bị thất thoát có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Quyền lực có, tiền bạc nhiều, thế nhưng đến giờ phút này câu hỏi các PMU là loại hình gì? Chắc chắn chưa 1 chuyên gia kinh tế cũng như pháp luật nào có thể lý giải được.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, Luật sư Lê Thanh Sơn, (Văn phòng Luật sư AIC) cho biết: "Theo Nghị định số 34/NĐ - CP thì PMU 18 không phải là đơn vị hành chính sự nghiệp của Bộ GT - VT. Còn nếu căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước thì cũng thấy rằng PMU 18 không phải là doanh nghiệp nhà nước. Một câu hỏi nữa, vậy PMU có phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền không, thì rõ ràng PMU 18 không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Thành lập từ năm 1993 bởi một quyết định của Bộ trưởng Giao thông vận tải, PMU18 được giao một "ưu ái" rất lớn đó là thay mặt Bộ này làm chủ đầu tư, quản lý quá trình đầu tư và xây dựng các công trình giao, thông đồng thời kiêm luôn cả việc tìm nguồn vốn cho các dự án do Ban này quản lý.

Cho đến thời điểm hiện nay PMU 18 đã quản lý hàng trăm dự án hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn từ nguồn ODA cũng như trái phiếu Chính phủ.

Hơn thế nữa, theo quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP thì khi kết thúc mỗi dự án, các PMU sẽ phải tự giải thể. Còn nếu được giao dự án khác, PMU đó phải được bổ sung nhiệm vụ hoặc phải có quyết định thành lập lại. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Với số vốn khổng lồ nhà nước đầu tư, lại không có người kiểm tra giám sát, PMU đang được đánh giá là 1 “siêu ban” với đủ mọi quyền lực, tiền tài. Các PMU hiện đang được chi tiêu một số tiền khồng lồ nhiều hơn bất cứ một Tổng Công ty Nhà nước nào.

Như vậy về thực tế, các PMU đã được các Bộ ngành, địa phương giao quyền lực rất lớn nhưng lại không có cơ chế trách nhiệm. Tìm hiểu riêng tại Bộ GT - VT, các PMU còn “đặc thù” hơn, khi dự án kết thúc, các PMU tại đây tiếp tục được giao thêm nhiều dự án khác mà chẳng cần phải thông qua một thủ tục gì. Thậm chí, PMU18 còn làm chủ đầu tư để tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu đối với một số dự án. Điều này dẫn đến hệ quả, chất lượng công trình sau khi bàn giao bị thả nổi, có vấn đề gì thì đơn vị quản lý chịu tất!

Đây có lẽ cũng chính là lời lý giải tình trạng tham nhũng, thất thoát tài sản trong quá trình triển khai các dự án đầu tư. Và khi nói về vấn đề này, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã từng bức xúc: “Các PMU thường nhiều quyền, ít trách nhiệm!”.

Sẽ chuyển các PMU sang mô hình doanh nghiệp

Trước những thực tế nêu trên, hiện vấn đề được đặt ra là Nhà nước cần sớm xem xét việc chuyển đổi các PMU sang loại mô hình khác phù hợp để quản lý. Theo một số chuyên gia, trước mắt, tất cả các PMU hiện có của các Bộ ngành và địa phương nên chuyển đổi thành công ty tư vấn quản lý dự án. Ý kiến này hiện đang được Bộ GT-VT đồng tình. Được biết Bộ trưởng Đào Đình Bình đã yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các PMU của Bộ này thành các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án.

Theo phân tích của TS Nguyễn Minh Đông (Đại học Luật Hà Nội) với Dân trí thì khi chuyển đổi các PMU thành doanh nghiệp thì cơ chế chịu trách nhiệm của các PMU là đương nhiên và ai cũng có thể thấy. Bởi bản chất khi đó họ là những công ty làm thuê như những doanh nghiệp khác đang có mặt trên thị trường thông qua hợp đồng kinh tế, không còn chuyện “giao” dự án như hiện tại. Mọi hoạt động sau đó sẽ được chủ đầu tư, đơn vị thuê kiểm tra, giám sát theo đúng hợp đồng và nguyên lý cạnh tranh thị trường…

Tuy nhiên có một thực tế khó khăn là đặt trường hợp ngay cả khi Thủ tướng đồng ý cho phép chuyển đổi thì cũng không phải nói là có thể làm ngay, bởi hiện tại trên toàn quốc đang có hàng trăm dự án đang được các PMU thực hiện dở. Việc làm này đòi hỏi phải có thời gian bởi không thể có chuyện ngày hôm trước đặt bút ký văn bản chuyển các PMU sang loại hình doanh nghiệp là ngay ngày hôm sau doanh nghiệp này có thể hoạt động. Để doanh nghiệp đó có thể hoạt động đòi hỏi phải có một thời gian tương đối để ổn định pháp nhân, bộ máy, cơ cấu và vốn...

Thêm một yếu tố nữa được đặt ra, vậy các PMU khi chuyển thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án thì sẽ là loại hình doanh nghiệp gì? Doanh nghiệp TNHH hay Doanh nghiệp Nhà nước. Chắc chắn với cơ chế hiện tại thì không thể để doanh nghiệp chuyển đổi dạng này theo loại hình TNHH được. Thế nhưng nếu để nó là Doanh nghiệp Nhà nước thì khi đó chúng ta sẽ có hàng nghìn Doanh nghiệp Nhà nước mới và xem ra thành quả của chủ trương cổ phần hóa các DNNN hiện nay coi như mất trắng…!

Những bất cập này cho thấy, việc xác lập một hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp để nâng cao năng lực quản lý nguồn vốn Nhà nước tránh thất thoát tại các dự án đầu tư là điều hết sức cấp bách.

Và nói gì thì nói, hiện tại đến giờ phút này quyền lực và tiền bạc của các PMU vẫn là số 1, các PMU vẫn đang hoạt động với cơ chế... tự mình quyết định?!.

Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GTVT đang khẩn trương soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các Ban quản lý dự án (PMU) thành các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án. Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay việc chuyển đổi mô hình quản lý dự án từ các PMU thành các Công ty Tư vấn quản lý dự án.

(Ông Phạm Tăng Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GT- VT)

Ngọc Điệp