1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Sẽ thí điểm chia sẻ dữ liệu thông tin nhân thân

(Dân trí) - Bộ Tư pháp sẽ phối hợp thí điểm chia sẻ dữ liệu về thông tin nhân thân, mối quan hệ giữa các công dân trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với một số Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành tư pháp trong các lĩnh vực quốc tịch, lý lịch tư pháp, con nuôi, thi hành án dân sự….

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Sáng 26/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết “Dự án thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch” với sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau 2 năm, đến nay Bộ Tư pháp đã triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kế hoạch ban đầu là 20 địa phương), đáp ứng yêu cầu mở rộng cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/2017. Đồng thời cung cấp đầy đủ các nghiệp vụ về đăng ký hộ tịch, hỗ trợ giải quyết hàng triệu lượt thủ tục hành chính, góp phần tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Hệ thống được triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương (Bộ Tư pháp) tới địa phương, giúp cơ quan quản lý hộ tịch có thể thống kê, theo dõi, kiểm tra trực tiếp dữ liệu của các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới thuộc phạm vi đơn vị mình quản lý.

Thông tin nhân thân về công dân được tích hợp, chia sẻ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia sử dụng hệ thống, đảm bảo thông tin đăng ký hộ tịch của công dân được quản lý tập trung, tránh thực hiện trùng lặp các sự kiện đăng ký hộ tịch, từng bước đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện triển khai; nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại về cơ chế, pháp lý.

Bên cạnh đó sẽ thí điểm triển khai chia sẻ dữ liệu về thông tin nhân thân, mối quan hệ giữa các công dân trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với một số Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của ngành tư pháp trong các lĩnh vực như quốc tịch, lý lịch tư pháp, con nuôi, thi hành án dân sự… nhằm thống nhất, đồng bộ thông tin công dân giữa các Cơ sở dữ liệu và không phải nhập lại thông tin khi cần…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, kết quả từ thực tiễn cho thấy việc thí điểm đã đem lại nhiều lợi ích to lớn, được người dân hài lòng, ủng hộ. Đây là nền tảng quan trọng để Dự án này tiếp tục hoàn thiện và triển khai rộng rãi trong cả nước trong thời gian tới.

Để hoàn thành nhiệm vụ đến năm 2020 triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi cả nước, ông Ngọc đề nghị các cơ quan phải xác định đây là trách nhiệm chung của cả Trung ương và địa phương, đặc biệt vai trò của chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung cập nhật thông tin hộ tịch lịch sử.

Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ để hướng dẫn và hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo tính tương thích, tránh chồng chéo.

Kha Xuân Lộc