1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ủy ban điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ họp phiên đầu tiên:

Sẽ tập trung điều tra vào các lỗi kỹ thuật

(Dân trí) - Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ.

Nhật Bản tham gia UBNN điều tra sự cố cầu Cần Thơ 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Ủy điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ông Nguyễn Hồng Quân khẳng định: UB làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các kết luận của UB được đưa ra trên cơ sở thảo luận và sự đồng thuận của đa số thành viên.

UB đánh giá sự cố dựa trên các căn cứ: Kết luận của Tổ chức tư vấn thực hiện công tác điều tra sự cố, ý kiến phản biện của Tổ chuyên gia giúp việc cho UB, báo cáo của Chủ đầu tư và các bên có liên quan. Kết quả kiểm tra trực tiếp của UB. Chủ tịch UB chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả hoạt động của UB và các kết luận của UB về sự cố. 

Trong thành phần uỷ viên của UBNN điều tra về sự cố cầu Cần Thơ, ngoài đại diện các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng… còn có đại diện cơ quan khoa học độc lập về cầu đường của Nhật Bản. Đơn vị này ngoài nhiệm vụ tham gia hoạt động của Ủy ban còn chỉ đạo việc phối hợp của đơn vị tư vấn Nhật Bản với các tổ chức tư vấn của Việt Nam trong quá trình thực hiện điều tra sự cố. 

Nhận định ban đầu về nguyên nhân vụ sập cầu, ông Nguyễn Hồng Quân cho rằng: nguyên nhân của vụ sập cầu xảy ra là do lỗi kỹ thuật, theo đó, UBNN điều tra về sự cố cầu Cần Thơ sẽ tập trung vào 3 mối: sự tuân thủ quy định về quản lý chất lượng của chủ đầu tư, hồ sơ thiết kế và chất lượng thi công xây dựng. Dựa trên những căn cứ này sẽ xác định được trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan.  

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Kiểm - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại có “bổ sung”: cần xem xét lại việc tổ chức lực lượng thi công vì nếu lao động không có hợp đồng, chưa qua đào tạo, tay nghề kém điều đương nhiên là ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của công trình. 

Cũng trong cuộc họp này Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát cũng đã đề nghị bổ sung thêm ông Trần Quốc Đạt, Cục trưởng Cục cảnh sát C14 làm trưởng ban phụ trách điều tra vụ sập cầu Cần Thơ.  

Theo kế hoạch, ngày 11/10, các thành viên của UBNN sẽ có mặt tại cầu Cần Thơ và khảo sát hiện trường. Dự kiến, UB sẽ đưa ra nguyên nhân bước đầu sau một tháng. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, liệu rằng trong một tháng các cơ quan chức năng có thể đưa ra nguyên nhân cuối cùng của thảm họa nói trên? 

Công việc điều tra có thể kéo dài hơn một tháng? 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên về một số nội dung có liên quan đến hoạt động của UB điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ. Ông Liên cho biết: Ưu tiên của Ủy ban là tìm ra nguyên nhân của sự cố, không phải điều tra cụ thể đối tượng nào, tổ chức nào. Chúng tôi cũng tập trung điều tra tại điểm trụ cầu gặp sự cố chứ không phải toàn bộ công trình”. 

Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành tham gia hoạt động của Ủy ban này như thế nào? Liệu rằng có sự trùng lắp với công việc điều tra mà Bộ CA đang thực hiện hay không? 

Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể của Ủy ban là làm rõ nguyên nhân của sự cố, qua đó làm rõ trách nhiệm các bên có liên quan, đề ra biện pháp khắc phục và thay đổi cơ chế chính sách để không lặp lại những sự cố tương tự. Nhiệm vụ quy định như vậy là rất rõ ràng. Anh Lê Thế tiệm (Thứ trưởng Bộ CA- PV) cũng là UV của UB, do đó các cơ quan đều phải phối hợp với nhau cùng vì mục tiêu chung đó. Không đặt vấn đề ai trên ai. Chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải - PV) cũng đã thành lập tổ điều tra để làm rõ nguyên nhân cho họ. Do đó các đoàn phải phối hợp với nhau để công tác điều tra đỡ tốn kém. 

UBNN điều tra về sự cố sập cầu Cần Thơ sẽ tiến hành công việc theo hướng nào, thưa ông? 

Tổ chuyên gia, tư vấn của UB gồm những chuyên gia đầu ngành về cầu đường, họ sẽ có cách làm của họ. Điều tôi có thể nói ngay lúc này là công tác điều tra sẽ theo hướng: dự đoán trước, tìm hiểu nguyên nhân theo cách loại trừ dần để đi đến kết luận cuối cùng. 

Thưa ông, sự cố sập cầu Rào trước đây chúng ta phải mất một năm để tìm ra nguyên nhân chính thức. Liệu rằng một tháng dành cho sự cố cầu Cần Thơ có quá gấp gáp không? 

Điều này là khó nói. Trách nhiệm thì chúng tôi phải cố gắng hết sức nhưng không thể nói trước là trong thời hạn một tháng có thể có được nguyên nhân cuối cùng của sự cố. Theo như yêu cầu của Thủ tướng để công tác điều tra không ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình, sau một tháng chúng tôi sẽ có báo cáo ban đầu đến Thủ tướng.  

Được biết phía Nhật Bản cũng có một nhóm chuyên gia điều tra về nguyên nhân của sự cố này. Đặt giả thiết, nếu kết luận hai bên có “vênh” nhau, khi đó phía UB sẽ giải quyết ra sao? 

“Vênh” nhau thì phải trao đổi. Phải tranh luận mới ra được kết luận cuối cùng. Không ai áp đặt cho ai được. 

Phúc Hưng