Sẽ phá núi để chế ngự gió Lào?

Khu vực Bắc Trung bộ đang chuẩn bị đối mặt với một đợt gió Lào mới. Các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp phá núi, xây nhiều hồ chứa. Liệu ý tưởng táo bạo này có trở thành hiện thực?

PGS-TS Nguyễn Việt Cường, giám đốc Trung tâm Vật liệu và môi trường khắc nghiệt (Viện Cơ học), chủ nhiệm đề tài gió Lào, cho biết:

 

Gió Lào thực chất là gió tây nam khô nóng nhưng có đặc điểm là hơi ẩm trút hết bên Lào, sau đó sang VN ma sát với các núi đá trọc nên độ nóng càng tăng cao. Để giảm thiểu ảnh hưởng của gió Lào tới các tỉnh Bắc Trung bộ, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp làm tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ tại các vùng chịu ảnh hưởng của gió Lào.

 

Cụ thể: Để làm tăng độ ẩm cho các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, chúng tôi đưa ra giải pháp thu hẹp diện tích núi đá trọc bằng cách khai thác đá, sau đó sử dụng diện tích này làm các hồ chứa phục vụ nông nghiệp, làm tăng độ ẩm. Diện tích núi đá không có rừng cây từ năm 1990 đến nay ước tính là 29.764ha. Diện tích này đã làm tăng bức xạ nhiệt, không có tác dụng giảm gió Lào. Những núi đá không có di tích lịch sử, chùa chiền, không có ý nghĩa quốc phòng được chia thành hai loại: loại được dùng làm hồ nước trên cao, vừa phát điện, vừa cấp nước, cải tạo môi trường và loại khai thác vật liệu xây dựng.

 

Trên diện tích núi đá khai thác vật liệu xây dựng nên cân nhắc phương án làm hồ hay làm khu công nghiệp với tỉ lệ đất trồng cây hợp lý. Việc biến những núi đá trọc thành hồ chứa nước có tác dụng làm giảm độ nóng do bức xạ nhiệt và tăng nguồn hấp thụ nhiệt, tăng độ ẩm, góp phần giảm bớt gió Lào khô nóng nên hướng này cần được ưu tiên phát triển.

 

Theo thống kê, thời gian làm việc của người nông dân ở nông thôn Bắc Trung bộ ít hơn so với đồng bằng Bắc bộ do môi trường làm việc nắng nóng hơn. Do đó, ước tính tổng số chênh lệch sản phẩm năm 2002 ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị giảm so với môi trường làm việc đồng bằng Bắc bộ là 211 tỉ đồng. Nếu tính chi phí chống nóng cho mỗi người trong một ngày có gió Lào khoảng 1.000 đồng thì cả mùa hè nắng nóng đã làm thiệt hại của Nghệ An, Hà Tĩnh 325 tỉ đồng. Từ những thay đổi sinh thái trong những ngày gió Lào còn có thể tạo nên nhiều cơ hội phát triển kinh tế, phát triển du lịch.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến việc phát triển giống lúa hè thu ngắn ngày để giảm thiểu gió Lào. Lúa hè thu có hệ số bốc hơi rất lớn. Bất kỳ vùng nào có lúa hè thu thì vùng đó chắc chắn là mát mẻ.

 

Ngoài hai giải pháp trên, chúng tôi muốn đề cập đến giải pháp tận dụng năng lượng mặt trời bằng cách dùng pin mặt trời hoặc các ống thu nhiệt mặt trời. Việc phát triển bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời ở các tỉnh miền Trung phải được xác định là biện pháp chiến lược vừa có hỗ trợ, vừa có tính chất bắt buộc để giảm độ nóng và đem lại hiệu ích kinh tế.

 

Ngoài ra, một giải pháp rất quan trọng khác, là hợp tác với các tỉnh biên giới của Lào để làm hồ chứa ở nước bạn. Các hồ chứa này sẽ bổ sung độ ẩm, giảm khô nóng của gió Lào. Giải pháp này không những giảm thiểu được gió Lào mà còn giải quyết được hạn hán bên Lào, giải quyết được tình trạng lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó là chiến lược mà chúng tôi rất muốn đệ trình lên Chính phủ hai nước.

 

Để triển khai được giải pháp, chúng tôi đã xây dựng bốn mô hình thí điểm cho tỉnh Nghệ An tại Thanh Thủy, Thác Muối, Mường Lồng và Cửa Lò. Cụ thể, khu vực Thanh Thủy nếu làm được bốn hồ dọc theo sông Rộ sẽ trở thành khu kinh tế du lịch sinh thái rất mát mẻ; còn khu Thác Muối sau khi hoàn thành hồ, hoàn thành qui hoạch trồng rừng cũng như qui hoạch đặc khu thì Thác Muối sẽ có khí hậu mát mẻ như Thanh Thủy. Cả hai khu vực này sẽ trở thành Đà Lạt của Nghệ An.

 

Trong khi đó Mường Lồng ở độ cao 1.500m nên nếu xây dựng năm hồ nước xung quanh và cải tạo mặt bằng để có thể hài hòa giữa cây cối và các nhà nghỉ sẽ tạo thành một Sa Pa của Nghệ An. Mường Lồng hiện là nơi duy nhất trên cả nước có số đông các cụ già sống trên 100 tuổi.

 

Riêng Cửa Lò, do là khu du lịch nên chúng tôi cho rằng phải tận dụng năng lượng mặt trời bằng cách sử dụng ống thu nhiệt mặt trời. Mỗi ống thu nhiệt mặt trời có thể hấp thụ được 50% lượng nhiệt mặt trời chiếu xuống và bức xạ nhiệt xung quanh. Vì vậy, nếu các khách sạn ở Cửa Lò sử dụng ống thu nhiệt mặt trời để đun nước nóng thì nhiệt độ tại Cửa Lò sẽ giảm đi đáng kể.

 

Nếu triển khai các mô hình trên, chỉ tính riêng việc giảm diện tích núi đá trọc không có rừng, cứ giảm được 100m chiều cao của núi thì hạ được 1 độ C và tăng được 1,7% độ ẩm. Chẳng hạn nếu giảm được 430m chiều cao của dãy núi Đại Huệ giữa Nam Đàn - Nghi Lộc thì chúng ta giảm được 4 độ C và tăng được khoảng 7% độ ẩm ở Nghi Lộc. Đấy là chỉ nói riêng việc giảm núi, chưa nói tới các giải pháp khác. Nếu làm nhiều biện pháp thì hiệu quả sẽ rất lớn.

 

Theo Tuổi trẻ