1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẽ miễn nhiệm hay bãi nhiệm ông Đào Đình Bình?

(Dân trí) - Trước sự kiện ông Đào Đình Bình <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/4/109850.vip">nộp đơn xin từ chức</a> Bộ trưởng Bộ GTVT và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ đi đến quyết định: Miễn nhiệm hay bãi nhiệm chức danh của ông Bình.

“Mặc dù hiện nay Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản chính thức từ Chính phủ về đề trường hợp của ông Đào Đình Bình nhưng Chính phủ có tác động rất lớn đến chương trình nghị sự của Quốc hội. Rõ ràng Thủ tướng đã đồng ý cho thôi chức đối với ông Bình thì vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự trong kỳ họp Quốc hội sắp tới” - ông Dũng cho biết.

 

Tại khoản 7, điều 84 của Hiến pháp quy định quyền của Quốc hội “là phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”. Như vậy, kỳ họp Quốc hội tới đây (bắt đầu từ ngày 15/5), Thủ tướng Chính phủ sẽ trình việc thôi chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình để Quốc hội xem xét.

 

Hai hình thức sẽ được Chính phủ đề nghị Quốc hội về trường hợp của ông Bình là: miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm là hình thức ở mức độ nhẹ. Còn bãi nhiễm là hình thức nặng hơn đối với những sai phạm, khuyết điểm lớn trong công tác điều hành, chỉ đạo.

 

Đề nghị của Thủ tướng được Quốc hội ủng hộ hay không sẽ được đưa ra để đại biểu Quốc hội tranh luận và bỏ phiếu.

 

“Dĩ nhiên ông Bình được miễn nhiệm hay bị bãi nhiệm là hoàn toàn phụ thuộc vào các đại biểu Quốc hội” - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho biết.

 

Tại thời điểm ông Đào Đình Bình từ chức cho đến kỳ họp Quốc hội sẽ còn 1 tháng, trong thời gian này Thủ tướng Chính phủ sẽ đề cử người tạm quyền điều hành Bộ GTVT. Được  biết, tạm thời Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ điều hành Bộ này.

 

Cũng liên quan đến vấn đề này, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu ông Đào Đình Bình có bị xem xét về tư cách đại biểu Quốc hội (ông Bình là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình), tiến sĩ Dũng cho biết: “Việc ông Bình làm Bộ trưởng để xảy ra những việc như vậy và tư cách đại biểu Quốc hội là hai chuyện khác và không nên gộp vào làm một.

 

Đại biểu Quốc hội đòi hỏi những chức năng và tiêu chuẩn như chấp hành pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu dân cử... Nếu ông Bình vi phạm vào những việc này hoặc vi phạm về hình sự thì mới tính đến chuyện xem xét tư cách đại biểu Quốc hội. Trước mắt chỉ nên xem xét về trách nhiệm chính trị”.

 

Thái Sơn