1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ lắp “hộp đen” trên xe khách

(Dân trí) - Theo dự thảo của Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ GTVT, phương tiện vận tải theo tuyến cố định liên tỉnh, xe container, xe kéo rơ moóc… phải gắn thiết bị giám sát hành trình xe (hộp đen).

Nhiều thay đổi

Cục đường bộ vừa công bố dự thảo của Nghị định và Thông tư (dự thảo) về hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2009. Theo đó, có rất nhiều quy định mới như bắt buộc phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định liên tỉnh, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe rơ moóc, xe sơ mi rơ moóc phải gắn thiết bị giám sát hành trình xe (hộp đen).

Đối với xe hoạt động với cự ly từ 1.000km trở xuống, xe buýt phải trang bị hộp đen trước ngày 1/1/2011. Xe khách tuyến cố định trên 1.000km, xe container, rơ moóc phải gắn hộp đen trước ngày 1/7/2010…

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có trụ sở đóng tại trung tâm tỉnh, thành phố phải có tối thiểu 50 xe, doanh nghiệp đóng ở trung tâm huyện, xã phải có tối thiểu 30 xe. Đối với xe buýt chỉ hoạt động trong nội thành, nội thị, không hoạt động sang tỉnh thứ ba, cự ly một tuyến xe buýt không quá 60km. Ngoài một số quy định mới cần có lộ trình thực hiện, quy định người đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, người điều khiển ô tô không được uống rượu bia sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7.

Vẫn chưa hết những “lăn tăn”

Trên thực tế, thiết bị được coi là “hộp đen” dành cho xe khách đã xuất hiện từ nhiều năm nay tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tại Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh đã lắp thí điểm hàng loạt “hộp đen” để kiểm soát xe khách tuyến cố định, Công ty vận tải Hoàng Long cũng lắp đặt thiết bị này. Sau vụ tai nạn đổ tàu E1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng chế tạo một loại thiết bị tương tự như “hộp đen”. Tại Hà Nội, một số đơn vị cho thuê xe ô tô đã lắp thiết bị “hộp đen”.
 
Sẽ lắp “hộp đen” trên xe khách - 1
"Hộp đen" được ghi nhận như một "cảnh sát giao thông" bên cạnh tài xế (Ảnh minh họa: Phúc Hưng)

Khi xảy ra rủi ro trong quá trình vận tải, đây sẽ là căn cứ đặc biệt quan trọng để nhà chức trách, chủ xe cũng như các công ty bảo hiểm xác định vi phạm cụ thể và có đền bù tương đối chính xác. Đây cũng là quyền lợi của các công ty vận tải chuyên nghiệp. Còn nhớ vụ án cướp xe Innova cho thuê xảy ra vào cuối năm 2008 tại Hà Nội, thiết bị định vị vệ tinh (tính năng của hộp đen) gắn trên xe ô tô đã góp phần rất quan trọng trong việc phá án của cơ quan công an.

Tuy nhiên, bản dự thảo kể trên cũng khiến không ít doanh nghiệp vận tải suy nghĩ. Về nội dung trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định: đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh doanh vận tải có trụ sở tại trung tâm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có số lượng xe tối thiểu từ 50 xe. Với những doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở tại trung tâm huyện, xã thuộc tỉnh, thành phố phải có số lượng tối thiểu từ 30 xe.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải tại Nghệ An lắc đầu nói: Thật khó hiểu khi cơ quan chức năng ra quy định này bởi lẽ, doanh nghiệp vận tải hầu hết vẫn ở dạng nhỏ lẻ, với số lượng xe hạn chế. Con số 50 đầu xe là mơ ước của phần đông các doanh nghiệp vận tải. Nếu quy định kể trên đi vào thực tiễn, rất dễ dẫn đến tình trạng các chủ doanh nghiệp “bắt tay ngang” nhằm lách luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, việc quy định lộ trình đến 1/7/2010, các doanh nghiệp vận tải xe khách tuyến cố định, xe vận tải container… phải lắp thiết bị hộp đên là khá gấp gáp, dễ là điều kiện để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thiết bị “hộp đen” o ép, tăng giá.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó cục trưởng Cục Đường bộ cho biết những quy định trên chỉ là dự thảo. Do đó, Cục Đường bộ Việt Nam công bố để lấy ý kiến dư luận nhằm điều chỉnh bổ sung cho hợp lý trước khi trình lên Chính phủ ký ban hành.

Phúc Hưng