Sẽ không đóng dấu “mật” các tài liệu liên quan đến ngân sách

(Dân trí) - Chiều 26/2, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) với tinh thần giải… “mật” cho các báo cáo về tình hình, phân bổ ngân sách (trừ một số trường hợp). Phương án phân bổ 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2012 – 2015 cũng được xem xét.


Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.

Bàn về việc lập ngân sách thường niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Nghị quyết về ngân sách Nhà nước mang tính kịp thời, thủ tục đơn giản hơn so với ban hành luật, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành nền kinh tế đất nước.

Việc ban hành Nghị quyết về Dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về Phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm thay vì Luật ngân sách thường niên không làm thay đổi nội dung các vấn đề mà Quốc hội quyết định. Vì vậy, đề nghị được giữ nguyên như hiện nay.

Đối với vấn đề thưởng vượt thu, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định về thưởng vượt thu đối với các khoản thu phân chia.

Vấn đề này, quan điểm chung đưa ra là cần bỏ quy định về thưởng vượt thu, như vậy sẽ tránh được tình trạng dự báo thu thấp để được thưởng vượt thu, không công bằng giữa các địa phương; đồng thời, tránh xảy ra trường hợp ngân sách Trung ương hụt thu nhưng vẫn phải bố trí thưởng vượt thu cho các địa phương. Việc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách cũng nêu vấn đề, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung như: không đóng dấu “mật” các tài liệu có liên quan đến ngân sách Nhà nước, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia để bảo đảm công khai, minh bạch, giúp quản lý hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước.

Dự thảo luật cũng quy định công khai dự thảo ngân sách trình Quốc hội và dự toán ngân sách Nhà nước sau khi được Quốc hội quyết định (dự kiến phát hành cuốn sách “Ngân sách công dân”). Đồng thời, công khai cả dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm...

Một nội dung còn nhận nhiều tranh luận trái chiều là về quy trình ngân sách. Đa số ý kiến của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của nhiều ý kiến đại biểu quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Cụ thể, giai đoạn một, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách Nhà nước để Quốc hội xem xét quyết định.

“Đây cũng là một thông lệ tốt của quốc tế. Nếu làm theo quy trình này thì ý kiến của Quốc hội sẽ sâu hơn vì hiện nay thời gian dành cho thảo luận về ngân sách rất hạn hẹp, tuy nhiên cơ quan soạn thảo chưa đồng tình mà vẫn muốn giữ như cũ” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Băn khoăn chưa biết là bước một sẽ quyết gì khi mà sang năm chưa biết làm bao nhiêu đường, cầu, cống… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có thể cũng làm hai, ba bước nhưng chỉ trong một kỳ họp Quốc hội, bố trí dài hơn, sớm hơn, làm kỹ hơn, trên nền kế hoạch kinh tế xã hội năm sau thì mới làm được.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không đặt vấn đề đổi mới quy trình qua hai kỳ họp vì còn chờ nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về kế hoạch năm tới mới có cơ sở, chưa nên đổi mới theo thông lệ quốc tế vì tình hình của Việt Nam khác biệt.

Theo dự kiến, dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào cuối tháng 5/2015.

Cuối buổi chiều ngày 26/2, UB Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015. Chính phủ đề xuất dành 7.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 phân bổ cho một số dự án, công trình.

Qua thảo luận, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 và cho rằng cần ưu tiên, bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng cho Chương trình kiên cố hóa trường lớp học 800 tỷ đồng đối với dự án Đường Trường Sơn Đông giảm bớt một phần vốn phân bổ của Chương trình kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên sang các dự án thủy lợi…

P.Thảo