1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy trình xả lũ thủy điện

(Dân trí) - Ngày 12/12, báo cáo giải trình trước HĐND tỉnh Quảng Nam sau khi các đại biểu chất vấn; Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Phước Thanh - cho biết sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng hiện chưa có cơ chế điều hành thủy điện xả lũ nên vừa qua có vài sai sót nhất định trong điều hành. “Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy trình điều tiết lũ để hạn chế tối đa vùng ngập lũ trong mùa lũ và tích nước để hạn chế những dòng sông chết”, ông Lê Phước Thanh phát biểu.
 
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam chất vấn lãnh đạo tỉnh
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam chất vấn lãnh đạo tỉnh

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu yêu cầu thủy điện phải đền bù cho dân bị thiệt hại lũ do các nhà máy thủy điện gây ra. Các đại biểu đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh lại quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời sớm ban hành quy trình vận hành đập thủy điện vào mùa khô.

Ngoài ra, xem xét trách nhiệm và bồi thường cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt liên quan đến xả lũ của các nhà máy thủy điện. Đối với các dự án thủy điện còn trong giai đoạn điều tra, thiết kế, lập dự án thì tạm dừng không cho khởi công.

Tỉnh cũng cần có chiến lược đối phó với những tác động tiêu cực từ các dự án thủy điện; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các dự án thủy điện trong việc trồng rừng thay thế, quá trình vận hành các hồ đập.
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện xả lũ gây thiệt hại thì đền bù cho dân
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện xả lũ gây thiệt hại thì đền bù cho dân

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, cho rằng năm 2009 chỉ có thủy điện A Vương gây lũ lớn, gây thảm họa cho vùng hạ du. Còn năm 2013 thủy điện có ảnh hưởng lũ hay không? Theo ông Quang, nói có thì đúng, nói không cũng đúng. Nếu không có thủy điện, hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra lũ, lụt lớn. Đợt lũ vừa rồi là do khi bão kèm mưa lớn nên lũ lên nhanh, nước về hồ cao, nếu các thủy điện không xả lũ nguy cơ sẽ vỡ đập.

Thủy điện xả lũ có báo cáo với tỉnh và các huyện nhưng báo cáo trong thời gian quá nhanh, quy trình không phù hợp với thực tiễn đối với vùng hạ du, nước về đồng bằng rất nhanh. Ông Quang đề nghị phải có báo cáo nước về tại các hồ thủy điện thật cụ thể, hạ mực nước của các hồ thủy điện xuống thấp nhất từ tháng 9, 10 để nâng dung tích phòng lũ; đến tháng 11 mới cho tích nước trở lại, vào mùa hạn cũng phải có quy trình cụ thể cho các thủy điện, chứ không thể đi xin xả nước cứu vụ mùa.

Tại buổi họp thảo luận chung tại hội trường, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị có ý kiến thảo luận về quy trình xả lũ, trách nhiệm của các thủy điện.

Ông Sỹ nhấn mạnh: “Việc xây dựng thủy điện có nhiều mặt lợi, không thiếu điện, cung cấp năng lượng. Nhưng về mặt sâu của thủy điện như rừng mất, tái định cư còn nhiều bất cập, giải quyết đất sản xuất cho đồng bào chưa được chặt chẽ, cần tập trung xử lý những công trình đang xảy ra. Giữa cái lợi và cái bất cập cần phải có hướng xử lý triệt để, kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm khai thác mặt lợi nhiều hơn đối với mặt hại. Đề nghị UBND tỉnh phải quản lý chặt chẽ quy trình xả lũ của thủy điện”.

Thủy điện Đăk Mi 4 chấp nhận hỗ trợ người dân

Trả lời văn bản số 4642/UBND-KTN ngày 25/11 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại vùng hạ lưu nhà máy thủy điện Đăk Mi 4; ngày 11/12, Tổng Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO, Chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam.
 
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ du Quảng Nam
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ du Quảng Nam
 
Trong văn bản này, IDICO cho rằng việc vận hành hồ chức Đăk Mi 4 hoàn toàn tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa được duyệt và không làm nghiêm trọng tình trạng ngập lụt tại khu vực hạ du.

Tuy nhiên IDICO lại cho rằng: “Để đồng hành cùng UBND huyện Phước Sơn nhanh chóng khắc phục thiên tai, ổn định đời sống nhân dân vùng hạ lưu nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, IDICO thống nhất hỗ trợ theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam.

Về phương án và kinh phí hỗ trợ, IDICO giao cho Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 làm việc với UBND huyện Phước Sơn để sớm triển khai thực hiện.

Công Bính

 

S.Hoàng-C.Bính