Sẽ có giấy phép lái xe dùng mã vạch hoặc chíp điện tử
Gần đây, hàng loạt giấy phép lái xe (GPLX) giả của tài xế chạy xe khách đường dài đã bị phát hiện. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng mới mà đã diễn ra từ nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu thay đổi mẫu GPLX hiện nay bằng mẫu GPLX mới có tính bảo mật cao.
Tràn lan bằng giả…
Qua công tác kiểm tra, năm 2004 TPHCM phát hiện có 67 trường hợp sử dụng GPLX bất hợp pháp, trong đó 80% là GPLX ô tô (C, D, E) được “lên đời” từ GPLX hai bánh. Mới đây, Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX, Sở GTCC đã tiến hành xác minh hàng loạt GPLX của công an các địa phương gửi đến.
Ông Nguyễn Văn Quyền thừa nhận: “Không phải đến bây giờ, mà lâu nay chúng tôi đã biết tình trạng giấy phép lái xe giả lưu hành là có thật. Có hẳn những đường dây sản xuất và tiêu thụ loại GPLX giả”. Theo nguồn tin mà Cục Đường bộ Việt Nam nhận được từ ngành công an, không chỉ được sản xuất ở trong nước, GPLX giả còn được sản xuất từ nước ngoài rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. |
Trước đó, năm 2003, Công an Hà Nội cũng phát hiện một số trường hợp GPLX bị làm giả khá tinh vi, bằng phương pháp in màu vi tính và có phát quang dưới đèn tử ngoại như loại thật nên rất khó nhận biết.
Cũng thời gian này, các cơ quan chức năng đã phối hợp triệt phá đường dây chuyên làm giả GPLX liên tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng, bắt 5 đối tượng. Trong 2 năm hoạt động, nhóm tội phạm này tiêu thụ trên 1.000 GPLX giả.
Thay đổi mẫu GPLX: chưa đủ!
Dù nắm được tình hình, nhưng theo ông Nguyễn Văn Quyền, việc chấm dứt hẳn tình trạng sử dụng GPLX ô tô giả là rất khó, chỉ có thể hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng này và một mình Cục Đường bộ Việt Nam cũng không làm được, cần phải có sự phối hợp của các cơ quan khác, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường.
Một lãnh đạo Cục CSGT đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng GPLX bị làm giả tràn lan là do mẫu GPLX hiện nay quá đơn giản, rất dễ làm giả.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền Phó, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Cục đang triển khai đề án nghiên cứu thay đổi mẫu GPLX hiện nay bằng mẫu GPLX có tính bảo mật cao hơn. Mặc dù mẫu GPLX hiện nay đã có nhiều yếu tố bảo mật như: số GPLX in bằng mực phản quang, tem bảo mật, dấu chìm…, nhưng thực tế vẫn dễ bị làm giả.
Loại GPLX sẽ được in trên chất liệu mới (làm từ nhựa tổng hợp Teslin); đồng thời có thể áp dụng công nghệ mã vạch hoặc chíp điện tử để chống làm giả, ghi và lưu giữ các thông tin về quá trình chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lái xe.
Nếu được Bộ GT-VT đồng ý cho triển khai đề án trên, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành đổi mẫu GPLX mới cho những trường hợp nào đã đến hạn (3 năm hoặc 5 năm), các trường hợp còn hạn trên 1 năm thì chưa phải đổi.
Tuy nhiên, còn một vấn đề đáng lưu tâm khác là tình trạng cấp GPLX thật nhưng “học giả”. Cách đây vài tháng, khi đi đăng ký học lái xe, chính người viết bài này đã được một “thầy” ở Trung tâm đào tạo lái xe đặt trên đường Liễu Giai (Hà Nội) ra giá 6,5 triệu đồng cho một tấm bằng lái ô tô thật mà không cần phải học. Trong số đó, theo ông “thầy” này, sẽ phải chi 2 triệu đồng cho “kỳ thi quốc gia” – nghĩa là khi thi sẽ có người hướng dẫn làm bài và thực hành để “đạt điểm đỗ thì thôi”.
Theo SGGP