1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội?

(Dân trí) - Về đề xuất quy định chức danh Tổng Thư ký Quốc hội (khi đó, Văn phòng Quốc hội được xác định là cơ quan thuộc Quốc hội, trực tiếp giúp Tổng thư ký Quốc hội), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau...

Ngày 15/8, luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 31.
 
Về việc lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, báo cáo giải trình của UB Thường vụ nêu rõ có 3 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội nhưng đề nghị làm rõ vai trò của Tổng thư ký Quốc hội cho phù hợp hơn với mô hình tổ chức của Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế, đề nghị Tổng thư ký Quốc hội không nhất thiết phải bầu trong số các đại biểu Quốc hội;

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định chức danh Tổng thư ký mà tiếp tục duy trì mô hình Văn phòng Quốc hội hiện nay vì Hiến pháp không quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội và mô hình Văn phòng Quốc hội như hiện nay đang hoạt động tương đối ổn định.

Loại ý kiến thứ ba băn khoăn cho rằng nếu lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thì cần làm rõ là có thành lập Ban thư ký Quốc hội không? Mối quan hệ giữa quy định về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội như thế nào?
“Phiếu thuận” cho để xuất bầu Tổng Thư ký Quốc hội

Nêu quan điểm về nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội phân tích, theo quy định của Luật hiện hành, Quốc hội thành lập Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ như làm biên bản mỗi phiên họp, biên bản kỳ họp; chuẩn bị thông cáo về phiên họp của Quốc hội; tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội... Theo thông lệ từ nhiều nhiệm kỳ gần đây, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp cũng đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Do đó, trên thực tế, hoạt động của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội do các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội trực tiếp phục vụ.

Căn cứ kết luận của Ban chấp hành TƯ Đảng về nội dung này, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đưa vào chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp hiện nay. Để bảo đảm tính liên thông, gắn kết và không phân tán nguồn lực, dự thảo luật đã được thiết kế theo hướng quy định Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là người đứng đầu bộ máy giúp việc Quốc hội là Văn phòng Quốc hội (đảm nhiệm luôn nhiệm vụ của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nay).

Lý do UB Thường vụ chỉnh quy định theo hướng Văn phòng Quốc hội là cơ quan thuộc Quốc hội, trực tiếp giúp Tổng thư ký Quốc hội cũng để thể hiện rõ hơn nội dung này.

Tán thành hướng quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích, chức danh  Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội như vậy tương tự như chức danh Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay. Theo đó, người đảm nhiệm chức vụ này làm 2 nhiệm vụ đồng thời, trong các kỳ họp thì làm Tổng thư ký, giữa các kỳ họp thì làm nhiệm vụ của người đứng đầu Văn phòng Quốc hội.

Ông Sơn cho biết, xu thế chung, Quốc hội của các nước đều có Tổng Thư ký, sắp tới Việt nam tổ chức Liên minh Nghị viện thế giới (IPA) thì cũng nên có chức danh này để thuận trong quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhận định, phần công việc của Tổng Thư ký Quốc hội thực tế hoạt động của Quốc hội Việt Nam lâu nay vẫn thể hiện nhưng vì Quốc hội không hoạt động thường xuyên, một năm chỉ họp 2 kỳ nên tính chất, vai trò Tổng thư ký chỉ bộc lộ trong các kỳ họp. Còn vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện hoạt động thường xuyên như chế độ thủ trưởng. Ông Phước cho rằng không có vướng mắc gì trong việc lập chức danh mới này.

Người đang giữ chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, Văn phòng Quốc hội được xác định là một cơ quan phục vụ mà lại quy định là một cơ quan của Quốc hội thì ai sẽ người phục vụ cơ quan này, “sẽ phải đẻ thêm 1 cơ quan khác để phục vụ cơ quan phục vụ”?.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quy định Văn phòng Quốc hội là một cơ quan thuộc UB Thường vụ Quốc hội thì hợp lý hơn vị trí là cơ quan của Quốc hội.  

Còn về chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, hiện ông Chủ nhiệm Văn phòng đang làm nhiệm vụ này nhưng chỉ trong các kỳ họp. Khi tham gia hoạt động quốc tế, Nghị viện các nước bạn hầu hết chỉ có các Tổng Thư ký Quốc hội chứ không nước nào có chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội như Việt Nam.

Người đứng đầu Văn phòng Quốc hội ủng hộ quy định mới ở khía cạnh, Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay đang hoạt động một cách hình thức. Theo ông Hạnh Phúc, đáng ra, Quốc hội nên có Ban Thư ký để trong mỗi kỳ họp giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội thì hợp lý hơn. Danh xưng Tổng Thư ký Quốc hội, theo đó, thuận hơn chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nay.

Tuy nhiên, ông Hạnh Phúc không ủng hộ ý kiến cho rằng Tổng Thư ký Quốc hội không cần là Đại biểu Quốc hội.
 

Cấm” dùng tiền để vận động bầu cử

Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi cụ thể hóa quy định về vấn đề vận động bầu cử. Theo đó, luật đưa ra 2 hình thức vận động bầu cử là thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong quá trình soạn thảo, có ý kiến đề nghị nên quy định việc người ứng cử tự mình tiến hành vận động bầu cử thông qua tiếp xúc trực tiếp với cử tri. Ý kiến khác cho rằng, không nên quy định hình thức này bởi cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng, người ứng cử phần lớn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, do vậy, những người này không có điều kiện tự mình vận động bầu cử so với những người tự ứng cử.

Thực tiễn cuộc bầu cử vừa qua cho thấy có tình trạng người ứng cử sử dụng vật chất ủng hộ cho cá nhân hoặc địa phương nơi mình ứng cử, tạo sự không công bằng với ứng cử viên khác.

Vì vậy, ban soạn thảo dự án luật cho rằng, để bảo đảm sự công bằng, khách quan thì không nên bổ sung quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.

P.Thảo