1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Sẽ chuyển nhà máy thép ô nhiễm từ đồng bằng lên vùng núi?

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Nhà máy thép này đang đóng tại Cụm CN Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Thông báo số 420 do ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký ngày 23/9, nêu rõ, tỉnh thống nhất cho phép Công ty TNHH thép Việt Pháp (chủ đầu tư) được chọn địa điểm để lập dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang với diện tích nghiên cứu khoảng 17,3ha.

Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Việt Pháp để phản đối ô nhiễm
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Việt Pháp để phản đối ô nhiễm

Hiệu lực của thông báo được xác định là 12 tháng kể từ ngày ký thông báo. Trong đó, thời gian lập quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) dự án, trình thẩm định, phê duyệt tối đa 6 tháng kể từ ngày ký thông báo. Nếu hết thời gian nêu trên, dự án không triển khai thực hiện, thông báo này sẽ không còn hiệu lực thi hành.

Trước đó, ngày 9/7/2016, Công ty TNHH thép Việt Pháp đã có tờ trình số 044/TTr-Cty/2016 gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Giang về việc thỏa thuận địa điểm thực hiện đầu tư dự án trên.

Sau đó, ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 4209 về chủ trương nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang của Công ty TNHH thép Việt Pháp.

Ông Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành…

​Người dân sông gần nhà máy thép đối thoại với lãnh đạo tỉnh tháng 12/2014
​Người dân sông gần nhà máy thép đối thoại với lãnh đạo tỉnh tháng 12/2014

Ngày 29/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết, có 2 vị trí mà đơn vị tự chọn là cụm công nghiệp thuộc xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) nhưng sau đó đơn vị chọn thị trấn Thạnh Mỹ vì xa khu dân cư. Ông Toàn cho hay, việc thỏa thuận địa điểm là giữa doanh nghiệp với người dân.

“Đây mới chỉ là chủ trương chứ chưa quyết định. Trên hết là đánh giá tác động môi trường. Nếu dân không đồng ý thì thôi”, ông Toàn nói.

Nhà máy thép Việt Pháp “nổi tiếng” gây ô nhiễm môi trường cho người dân xung quanh thuộc thôn 7A, xã Điện Nam Đông (nay là phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn). Từ năm 2012, khi nhà máy đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường và vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân (Dân trí phản ảnh nhiều tin bài).

Quá bức xúc, người dân đã kéo đến cổng nhà máy dựng lều yêu cầu nhà máy phải đóng cửa, di dời khỏi khu dân cư. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam đã “ra tối hậu thư” phải di dời vào cuối năm 2017.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm