1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ bồi thường nếu xe tạm giữ bị đổi phụ tùng

Trong đợt cao điểm xử lý xe vi phạm ở Hà Nội, mỗi ngày có tới hơn 1.000 phương tiện bị tạm giữ. Nhiều ý kiến thắc mắc, việc bảo quản xe vi phạm như thế nào, nếu xe bị tráo đổi phụ tùng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Văn Chửng, Trưởng bến xe Kim Ngưu A.

Là người phụ trách đơn vị trông giữ xe vi phạm, ông nói gì về phản ánh của người dân cho rằng xe bị hư hỏng sau khi bị tạm giữ trong bãi?

 

Trước khi nhận xe, chúng tôi đã có biên bản tình trạng của chiếc xe nên không e ngại việc người dân khiếu nại. Chiếc xe máy thường được kiểm tra bị xây xước và hư hỏng những bộ phận gì, các phụ tùng như gương, đầu, yếm, mặt nạ... có đủ không. Tình trạng chiếc xe đã được cảnh sát giao thông xác nhận khi bàn giao.

 

Phí trông giữ xe vi phạm trong một ngày đêm:

- Xe đạp 800 đồng.

- Xe máy, xích lô, xe 3 bánh là 3.000 đồng.

- Ôtô dưới 6 chỗ, xe tải dưới 1 tấn là 60.000 đồng. 

- Xe tải 1,25 tấn trở lên, ôtô trên 6 chỗ là 84.000 đồng. 

Đơn vị nghiêm cấm nhân viên trông giữ xe lấy phụ tùng của khách, nếu phát hiện sẽ đuổi việc, do vậy hoàn toàn không có chuyện tháo đồ hay lấy phụ tùng xe.

 

Vậy tại bãi xe của ông đã có trường hợp nào phải đền?

 

Đến nay, bãi xe Kim Ngưu mới chỉ phải đền cho một chủ xe vào năm 2003 vì khi giao xe, chiếc xe đó thiếu chiếc mặt nạ mà trong sổ sách không ghi điều này.

 

Tuy nhiên, việc tráo đổi phụ tùng vẫn có thể diễn ra khi sổ sách không ghi rõ chủng loại phụ tùng ?

 

Do tâm lý bức xúc vì bị giam xe nên chủ phương tiện hay nghi ngờ là xe bị tráo đổi phụ tùng.

 

Bãi xe dù đã được trang bị mái che song bụi bẩn thì khó tránh khỏi. Do đó khi xe ra ra khỏi bãi thường rất bẩn và khó đạp nổ vì để lâu. Nhiều người cũng vì thế mà nghi ngờ có chuyện tráo đổi.

 

Nhiều chủ phương tiện phản ánh xe bị xước xát rất nhiều trong quá trình bị tạm giữ, lỗi này được xử lý thế nào?

 

Trong quá trình vận chuyển từ lúc công an xếp lên ôtô, tới lúc chuyển xuống, việc xây xước xe là không tránh khỏi. Lỗi xây xước thường được chủ phương tiện bỏ qua, họ chỉ nghi ngờ việc tráo đổi phụ tùng. Cho tới nay chúng tôi cũng chưa phải đền bù trường hợp nào do xây xước.

 

Ngoài nhân viên bảo vệ, và đơn vị chức năng, những ai có thể vào bãi giữ xe?

 

Phương tiện đã đưa vào bãi là coi như được niêm phong, không ai được vào khu vực này nếu không có sự đồng ý của tôi.

Song thực ra, nhiều người khi bị giữ xe có tâm lý lo lắng không biết xe được bảo quản thế nào, nhất là với những chiếc xe chưa có biển và còn mới. Họ cũng rất muốn vào xem. Thi thoảng, chúng tôi cũng để cho họ vào. Trong bãi này có khoảng 10% là các xe đắt tiền song không được chủ xe quan tâm lắm.

 

Bãi chứa hàng trăm xe máy, ôtô trong thời gian dài. Theo quy định, tất cả những xe bị tạm giữ trong bãi sẽ phải tháo xăng. Vậy vì sao quy định này lại không được thực hiện ?

 

Chúng tôi đang tạm giữ hơn 700 xe vi phạm. Đúng quy trình sẽ phải tháo xăng khỏi xe, song việc này không thực hiện được vì thiếu người, thời gian tiếp nhận xe cấp thiết. Do vậy, chỉ những xe bị chảy xăng mới phải tháo.

 

Chúng tôi đã trang bị hàng chục bình cứu hoả tại bãi xe nên có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy nổ.

 

 Theo Đoàn Loan

VnExpress