1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Sau lụt, lợn được... ở nhà tầng

(Dân trí) - Toàn bộ tầng một của ngôi nhà hai tầng khang trang được “quây kín” làm nơi trú ngụ tạm thời cho gần 100 con lợn. Cảnh ăn, ngủ, sinh hoạt cùng lợn không chỉ diễn ra tại gia đình này, mà các hộ hàng xóm cũng phải chịu mùi xú uế nồng nặc từ lợn…

Lợn “nhông nhông” khắp nhà

Đó là cảnh tượng diễn ra tại nhiều gia đình tại thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hơn nửa tháng nay.

Ảnh hưởng của trận mưa lịch sử, toàn bộ cánh đồng trũng tại thôn Đinh Xá và khu trang trại của hơn 30 hộ dân đều ngập sâu trong nước. Đến chiều 16/11, toàn bộ cánh đồng vẫn bị ngập lút ngọn ngô đang thời kỳ phun dâu, làm bẹ. Người dân chỉ có cách dùng thuyền đi qua đồng nước đến khu trang trại.
 
Sau lụt, lợn được... ở nhà tầng - 1
Toàn bộ cánh đồng ngô đang vào thời kỳ trổ bông, làm  bẹ vẫn ngập chìm trong nước.
 
Trang trại ngập nước, hàng ngàn con lợn nuôi tại các trang trại này được “lùa” lên thuyền trở về làng. Nhưng không phải chuồng lợn nhà ai cũng đủ rộng để chứa hàng trăm con. Vì thế, người dân chỉ còn cách đem gửi mỗi nơi vài ba con, còn lại, quây sân nhà lại làm chuồng nuôi lợn.
 
Cảnh ăn, ngủ cùng lợn diễn ra hầu khắp các gia đình có trang trại. “Mùi hôi thối nồng nặc, nhưng chúng tôi cũng đành chịu. Có khi đưa mâm cơn ra, phải cử người đứng ở hành lang “canh” không cho lợn leo lên hè phá mâm. Cái giống lợn nuôi rất dạn người, chẳng biết sợ gì. Giờ chỉ mong bán hết được đàn lợn này, chứ cũng phải đợi cả tháng nữa nước mới rút, sống chung với chúng thật khổ. Đến mình còn không chịu nổi, nữa là hàng xóm, láng giềng” - chị Sơn Dịu (thôn Đinh Xá, xã Nguyệt Đức) than thở.

Đã bán được một nửa đàn lợn, hiện tại sân nhà chị còn khoảng 40 con tầm 60-70kg lúc nào cũng “nhông nhông” khắp sân, ủi rách hết cả các tấm quây chắn bếp, vì thế, việc nấu nướng của gia đình chị cũng phải chuyển lên hiên nhà.

Sau lụt, lợn được... ở nhà tầng - 2
Sân nhà quây thành chuồng cho lợn sinh sống.

Nhưng cảnh nhà chị chưa là gì so với gia đình chị N.T.L ngay đầu làng. Cả căn nhà hai tầng khang trang, tầng 1 được quây kín mít dành cho một đàn lợn. Nhưng do mưa gió, lụt lội, đàn lợn lăn quay ra ốm, chết đến hơn nửa. Tính sơ sơ, gia đình chị đã mất gần 20 triệu đồng.

Chiều 16/11, khi chúng tôi có mặt tại nhà chị, cả nhà vẫn tất bật lo bán thốc bán tháo đàn lợn đang bị ốm, đi ngoài. Cửa vẫn đóng im ỉm, quây kín đàn lợn bệnh bên trong.

Hộ gia đình chị Nga Hoán đang lo sốt vó vì 80 con lợn nái đang ương giống (45-50kg) sau khi được lùa về sân nhà, che lán bạt nuôi tạm thì lăn ra ốm hàng loạt.

Sau lụt, lợn được... ở nhà tầng - 3
 Ngôi nhà 2 tầng khang trang cũng phải "quây" lại làm chỗ nuôi lợn.

Cũng có hộ gia đình vì nuôi lợn với số lượng quá lớn, không thể cho lên thuyền chở về làng, đành phải thuê tấm ván kê sàn lên cao cho lợn nằm, đóng ván quây sàn, nước lên đến đâu quây đến đó, vật lộn suốt ngày với lợn để mong mỏi nó không bị ốm đau, bệnh tật.

“Thời tiết năm nay ác quá, dân trang trại “thất bát” hết cả”, chị Sơn Dịu than. Không riêng gì gia đình chị, mà nhiều hộ khác có trang trại cũng đang liêu xiêu vì lũ lụt. Hàng ngàn con vịt của các gia đình nuôi trên trang trại, từ hôm mưa đến nay không đẻ trứng, mỗi ngày lỗ đến tiền triệu. Rồi gà qué, gặp mưa lũ lụt bị rù, đi ngoài… cũng chết hàng loạt.

Chưa kể những gia đình nuôi cá, năm nay thực sự là trắng tay. Mỗi nhà đã bỏ từ 3-4 triệu đồng quây lưới nhưng không thể chống đỡ với mực nước dâng cao.

Rau xanh cạn kiệt, sống nhờ chuối xanh, đu đủ

Đó là tình cảnh chung của hầu hết người dân các vùng thôn quê ngập lụt. Như tại xã An phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đến nay, nước vẫn ngập khắp ruộng đồng, nhà cửa. Điều này đồng nghĩa với việc họ thiếu gạo, thực phẩm cũng như rau xanh.

Sau lụt, lợn được... ở nhà tầng - 4
Nguồn thức ăn chính của họ lúc này chủ yếu là cá do người chài lưới đánh bắt được ngoài đồng, sông vẫn bị ngập lụt.

“Với người thôn quê, chúng tôi vốn tự cung tự cấp được nguồn rau xanh nhờ vườn tược, đồng ruộng, nhưng hiện tại, vườn tược đều ngập chìm trong nước, chẳng rau nào sống nổi. Đã hơn nửa tháng nay, món “chủ đạo” của chúng tôi là cá rán (tự đánh bắt được ở sông hồ ngập nước), chuối xanh và đu đủ xanh luộc”, anh Nguyễn Văn, thôn Đồng Chiêm, An phú, huyện Mỹ Đức ngao ngán nói.

Còn với người dân tại thôn Đinh Xá, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đi chợ thời điểm này chỉ có thể mua được khoai tây, bí đỏ và rau giá chứ không thể tìm thấy bất cứ loại rau xanh nào khác. Ngay cả có đám cỗ cưới hỏi, việc đặt được rau xanh cũng là một hành trình vất vả. Phải báo trước hàng tuần, thậm chí lâu hơn mới may mắn mua được vài chục cân su su, hành tây…

Thịt lợn bán tràn lan ngoài chợ, nhưng người dân rất e ngại, bần cùng lắm mới phải mua đến nguồn thực phẩm này. Vì họ là những người chăn nuôi, hiểu hơn hết việc các đàn lợn sau lũ lụt đang bị bệnh thương hàn, đi ngoài… phải tiêm rất nhiều thuốc, và hầu hết các gia đình đều bán thốc bán tháo số lợn ốm. “Khi mua thịt lợn, tôi luôn phải xem rất kỹ, xem con lợn còn tươi thịt không, mỡ lợn phải trắng, còn nếu ngả màu hơi vàng đục thì không nên mua”, chị Hiền, một người dân cho biết.

Mưa lụt không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, đời sống người dân. Bà Kính ở thôn Đinh Xá cho biết, khắp làng, giờ đi đâu cũng thấy mùi lợn, vịt, gà. Mà gia súc gia cầm giờ nuôi toàn bằng đồ ăn công nghiệp, mùi cám thừa chua bốc lên quyện với mùi chất thải của chúng khiến người dân rất khổ sở, nhức đầu, viêm mũi. Chỉ mong nước rút từng ngày để những hộ có trang trại trở lại chăn nuôi bình thường, đỡ khổ cái mũi của người dân, làng xóm.

Bài và ảnh: Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm