1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sau Đường Lâm đến lượt phố cổ Đồng Văn “tố khổ”

Sự việc làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đòi trả lại danh hiệu di sản vì “sống trong lòng di sản khổ quá” vừa lắng xuống, mấy ngày nay, dư luận lại “choáng” vì chủ nhân mấy chục nóc nhà cổ ở Đồng Văn (Hà Giang) cũng bày tỏ mong muốn “trả lại danh hiệu di tích quốc gia”. <br><a href='http://dantri.com.vn/event-2239/Lang-co-Duong-Lam-xin-tra-lai-danh-hieu-di-san.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản</b></a>

Nhiều nếp nhà cổ ở Đồng Văn hiện đã xuống cấp, cần gia cố

Nhiều nếp nhà cổ ở Đồng Văn hiện đã xuống cấp, cần gia cố

 

Lý do mà các hộ này đưa ra khi đòi trả danh hiệu là để tu sửa nhà cửa cho cuộc sống tiện nghi hơn, bớt đi những nơm nớp khi cứ mưa to gió lớn là lo nhà sập. Xem ra, chuyện dọa trả lại danh hiệu di tích đang trở thành nỗi lo cho các nhà quản lý văn hóa.

 

Những người từng đến với Đồng Văn vẫn ví von lãng mạn rằng, phố cổ như một nét duyên thầm nơi vùng cao. Bởi chẳng ai ngờ được, ẩn sâu trong những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, giữa cái nơi chỉ toàn đá là đá lại hiện lên một con phố nhỏ, thanh bình và lãng mạn đến thế.

 

Được hình thành vào đầu thế kỷ 20, đoạn phố cổ này có kiến trúc giao thoa nửa bản địa, nửa mang sắc thái kiến trúc Trung Hoa. Khu vực Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi cư trú của các tộc người Kinh, Mông, Hoa, Lô Lô...

 

Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang, Đồng Văn được chia ra làm 4 khu vực cho các thổ ty nắm giữ. Những ngôi nhà trên dãy phố được làm theo kiến trúc mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, cột kèo rui mè, chủ yếu được làm từ các loại gỗ quý như lim, nghiến, pơ mu... vì thế, cả trăm năm tồn tại, ngôi nhà vẫn giữ được dáng dấp như khi nó mới sinh ra.

 

Tường nhà được trình bằng đất, cao 2 tầng, mái lợp ngói âm dương khiến ngôi nhà xua đi được cái lạnh nghiệt ngã của mùa đông nơi vùng cao và đón được những cơn gió mát về mùa hè. Mỗi phiên chợ, cả không gian phố chìm trong sắc váy áo rực rỡ của những cô gái người Mông, Lô Lô, Pu Péo.

 

Ở đó còn những chảo thắng cổ nghi ngút khói, có những người đàn ông Mông la đà bên bát rượu ngô, trong khi những người phụ nữ của họ, chốc chốc lại đưa mắt nhìn chồng đang mặt đỏ tía tai, ánh nhìn đầy yêu thương và kiêu hãnh. Khách đến với Đồng Văn chỉ một lần thôi rồi cứ mãi vấn vương và thầm hỏi: “Hay là mình đã yêu?”. Vậy mà…

 

Những ngôi nhà bằng đất trình tường trải mấy trăm năm cũng đến ngày xuống cấp. Người dân sống trong những ngôi nhà cũ, gặp nhiều khó khăn bất tiện vì phải giữ nguyên hiện trạng nhà, và không đủ kinh phí để sửa chữa, cơi nới theo đúng kiểu kiến trúc cổ.

 

Chính quyền địa phương cũng khảo sát hiện trạng từng ngôi nhà, đưa ra định hướng để bảo tồn… nhưng vẫn dừng ở khảo sát. Nguyên nhân chính cho sự “dậm chân tại chỗ” này là: Chưa có kinh phí. Vì thế, có thể hiểu được nỗi niềm của những người mới ngày nào từng tự hào về phố cổ của mình, nhà cổ của mình, thì nay quay lại “sợ” chính cái mình đã từng tự hào đó.

 

Ông Hoàng Văn Kiên- Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang cho biết, dự kiến vào cuối năm 2013, tỉnh Hà Giang mới có thể thu xếp huy động 3 tỷ đồng để trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng - cho dù số liệu cho thấy có ít nhất 18 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đang ở vào diện này.

 

Năm 2008, để bảo tồn phố cổ, UBND huyện đã dành hẳn một diện tích lớn, ven theo bờ suối Đồng Văn làm quỹ đất giãn dân. Hồi đó, UBND huyện đã mời hẳn những chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Hà Nội về giúp. Nhưng rồi, các chuyên gia, cứ ngồi ở giữa Thủ đô mà phóng bút. Thành ra, quy hoạch quá hoành tráng, trong khi con suối Đồng Văn kia vốn chả to tát gì. Thế là cho đến giờ, dự định này vẫn còn ngổn ngang…

 

Nhiều  người bảo, chuyện người dân phố cổ Đồng Văn bày tỏ ý định trả lại danh hiệu di sản là ngành văn hóa thêm một chuyện buồn. Nhưng cũng có người bảo, đó sẽ là “cú hích” để những người có trách nhiệm “nhớ” ra rằng, mình đang nắm trong tay kho báu. Nếu không kịp thời gìn giữ, kho báu đó sẽ mất, mất vĩnh viễn.

 

Gọi là phố, nhưng thực chất các ngôi nhà trên phố cổ Đồng Văn chỉ tập trung nằm trên con đường bắt đầu từ chợ Đồng Văn chạy dọc vào phía trong chân núi. Theo tài liệu của UBND huyện Đồng Văn, hiện cả phố còn lưu giữ được trên dưới 40 nếp nhà cổ. Trong đó, có 2 ngôi nhà của dòng họ Lương, có niên đại tới 300 năm, những nhà còn lại có tuổi đời trên dưới 100 năm. 

 

Họ Lương mà đứng đầu là thổ ty Lương Trung Nhân là người từng đứng ra thuê thợ từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) về thiết kế và xây dựng. Thời gian mới hình thành, cư dân ở khu phố này chủ yếu là người Tày và người Hoa, đến thập niên 40-50 của thế kỷ trước có thêm người Kinh, người Dao, Nùng chuyển đến cư ngụ. Ngoài phố cổ, hiện Đồng Văn còn có nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị khác, tiêu biểu nhất là chợ Đồng Văn, được xây cách đây hơn 100 năm với kiến trúc hình chữ U.

 

Từ năm 2006, học tập mô hình bảo tồn kết hợp du lịch từ phố cổ Hội An, vào các đêm 13, 14, 15 âm lịch hàng tháng, UBND huyện Đồng Văn tổ chức đêm phố cổ. Những chiếc đèn lồng được treo ngoài cửa mỗi ngôi nhà cổ, những hoạt động văn hóa dân gian được trình diễn, những món ăn truyền thống, những sản vật địa phương được mang ra giới thiệu tới du khách. Không được chuyên nghiệp như Hội An, nhưng cách làm du lịch của người dân nơi cao nguyên đá lại thu hút du khách bởi sự mộc mạc, chân chất, đậm chất núi rừng.

 

Theo Quỳnh Vân
 An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm