Sau Covid-19, sẽ đối thoại với dân Thủ Thiêm ngay khi đủ điều kiện

Phương Thảo

(Dân trí) - Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch đối thoại với người dân Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ đã phải hoãn lại, không chỉ 1 lần…

Sau Covid-19, sẽ đối thoại với dân Thủ Thiêm ngay khi đủ điều kiện - 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội.

Chiều 14/9, thay mặt Chính phủ trình báo cáo công tác giải quyết khiếu tại, tố cáo năm 2020 trước UB Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ cập nhật thông tin, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ngành liên quan tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ công tác phục vụ tổ chức đối thoại với người dân Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện. Theo đó, thời gian tổ chức đối thoại dự kiến vào ngày 6/8/2020.

Tuy nhiên, do thời điểm cuối tháng 7/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, có nguy cơ lây lan cao tại nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, do đó Thanh tra Chính phủ đã hoãn buổi đối thoại với các công dân Thủ Thiêm và sẽ tổ chức trở lại ngay khi đủ điều kiện.

Trong báo cáo, Chính phủ cũng nêu bối cảnh đặc thù của năm 2020 là do đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nên tình hình khiếu nại tố cáo đỡ “căng” hơn, có phần lắng dịu. Các cấp, các ngành có điều kiện nâng cao hiệu quả việc tiếp công dân, trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự.

Vì vậy, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 04%, số lượt đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp có con số giảm về tỷ lệ số vụ việc khiếu nại tố cáo, dù trước đó, dự báo cho năm 2020 là tình hình này sẽ tăng.

Theo thống kê, về khiếu nại, so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn và giảm 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%), trong đó tập trung chủ yếu vào việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... và các nội dung liên quan như việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, thực hiện các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT…

So với năm 2019 tăng 20,8% số đơn. Tuy số đơn tăng nhưng số vụ việc thuộc thẩm quyền, theo báo cáo của chính phủ lại giảm 0,8%. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật về nội dung này khá tích cực. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm. Qua đó góp phần tạo bầu không khí phấn khởi chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, bảo đảm ổn định tình hình cho hoạt động Đại hội Đảng các cấp.

Tuy nhiên, UB Pháp luật lưu ý hiện tượng, tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tập trung đông người ẩn chứa yếu tố tôn giáo hoặc có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch.

UB Pháp luật nhận xét, Chính phủ vẫn chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa đưa ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020; chưa phân tách được số liệu cụ thể vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong; đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người có sự tham gia của giáo dân hoặc do bị lợi dụng, kích động, lôi kéo... để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Đây cũng là những vấn đề đã được UB Pháp luật nêu ra trong báo cáo thẩm tra các năm trước nhưng cũng chưa được làm rõ.