1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, TPHCM tìm ra 200 trường hợp "bom hàng"

Quang Huy

(Dân trí) - Trong số 200 trường hợp liên quan việc "bom hàng" tại TPHCM, Công an thành phố đã xác định 6 nguyên nhân chính dẫn đến việc đặt hàng mà không nhận hàng.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn chiều 8/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết sau khi nhận được phản ánh về hiện tượng "bom hàng" trong đợt dịch, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các địa phương cùng phòng nghiệp vụ làm việc với các hãng vận chuyển, đi chợ hộ công nghệ. Tuy nhiên, các hãng này trả lời chưa ghi nhận hiện tượng "bom hàng" hoặc xử lý được theo quy định của công ty.

Đối với lực lượng hỗ trợ tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, công an thành phố đã ghi nhận hiện tượng đặt hàng nhưng không nhận tại một số địa phương. Trong đó, công an đã làm việc với 200 trường hợp có liên quan.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, TPHCM tìm ra 200 trường hợp bom hàng - 1

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trường phòng Tham mưu Công an TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Công an TPHCM xác định có 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

Nguyên nhân thứ nhất: Người dân không rành về công nghệ, khi thao tác đặt hàng trùng đơn nhưng không biết cách hủy.

Nguyên nhân thứ 2: Dữ liệu cung cấp không đầy đủ, chính xác khiến các shipper không tìm được địa chỉ giao.

Nguyên nhân thứ 3: Người dân đã hủy đơn hàng nhưng hệ thống không cập nhật. 

Nguyên nhân thứ 4: Đơn hàng giao quá lâu, người dân đã chọn kênh phân phối khác để mua hàng nên không nhận.

Nguyên nhân thứ 5: Các đơn vị không cung cấp đúng mặt hàng đã đặt, sai mặt hàng nên người dân không nhận.

Nguyên nhân thứ 6: Đơn hàng được bị trùng lặp nhiều lần nên người dân không tiếp nhận nữa. 

"Thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương và phòng nghiệp vụ làm rõ nếu có phản ánh về việc "bom hàng" như thời gian qua", Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ngày 6/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ".

Công văn nêu rõ, việc "đi chợ hộ" đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TPHCM. Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng người dân hủy đơn hàng "đi chợ hộ", gây khó khăn cho bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận nhân dân bức xúc.