1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Sạt lở mố cầu Kỳ Lam, hàng chục hộ dân lo sợ

(Dân trí) - 35 hộ dân thôn Kỳ Lam ăn ngủ không yên vì mố cầu cao tốc Kỳ Lam sạt lở nặng do lũ lụt. Người dân yêu cầu di dời hay xây kè để bảo vệ dân, còn chủ đầu tư dự án cao tốc thì cho hay đã nhiều lần làm việc với người dân và các cấp chính quyền nhưng không có lối ra.

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khánh thành giai đoạn 1 đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ từ tháng 8/2017 nhưng khu vực mố A2 cầu Kỳ Lam (đoạn qua địa bàn thôn Kỳ Lam, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) bị sạt lở rất nghiêm trọng khiến người dân địa phương hết sức lo lắng.

Các hộ dân thôn Kỳ Lam dưới chân cầu
Các hộ dân thôn Kỳ Lam dưới chân cầu

Theo trình bày của một số hộ dân thôn Kỳ Lam, trước đây khi xây dựng cầu Kỳ Lam, người dân yêu cầu chủ đầu tư không làm mố cầu tại đây mà nên làm cầu vượt đến hết đoạn khu dân cư. Nhưng khi chủ đầu tư làm xong cầu Kỳ Lam thì những hộ dân ở đây ảnh hưởng “ghê gớm”.

Trước mùa mưa lũ 2017, mố A2 cầu Kỳ Lam đã bị sạt lở
Trước mùa mưa lũ 2017, mố A2 cầu Kỳ Lam đã bị sạt lở

“Cả đất đai, nhà cửa bị ảnh hưởng, không ai chịu nổi. Nguyên nhân khi làm mố cầu ở đây, người dân chúng tôi không chịu vì khi làm mố cầu tại đây, con nước ép vào chịu không nổi”, ông Trần Ba - một trong những hộ dân thôn Kỳ Lam trình bày.

Theo người dân, độ cao của nước lũ trên và dưới cầu Kỳ Lam cách nhau cả mét nên khi có lũ, nước dộng hết vào xóm chịu không nổi. Năm 1998, nước lũ lớn hơn năm nay làm sạt lở cầu đường sắt nhưng người dân vẫn bơi ghe đi bình thường.

Người dân yêu cầu di dời hoặc làm kè để bảo vệ

Vì mố A2 cầu Kỳ Lam bị sạt lở nên người dân cản trở, không có nhà thầu thi công chống sạt lở tại mố cầu này. Người dân yêu cầu phải có kế hoạch bảo vệ dân; một là di dời hết 35 hộ dân đi nơi khác, hai là làm một con đê để bảo vệ dân.

“Người dân chúng tôi yêu cầu che chở cho bà con sống ở đây. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị rồi, nếu mà cứ để như hiện tại, đường cũng bị hư mà nhà dân cũng bị trôi”, ông Trần Ba bức xúc nói.

Sạt lở khoét hàm ếch vào chân mố A2 cầu Kỳ Lam
Sạt lở khoét hàm ếch vào chân mố A2 cầu Kỳ Lam

Người dân thôn Kỳ Lam lo lắng nước lũ chảy xiết tạo thành hố sâu dẫn đến tình trạng nhà dân nằm đối diện bị sạt lở rồi tụt hẳn xuống hố. Cuối năm 2016, khi xảy ra lũ lớn, mố A2 này cũng đã bị sạt lở. Năm nay tình trạng sạt lở do lũ lại tiếp diễn khiến người dân bất an vì chưa biết khi nào nhà mình sẽ bị.

Người dân cho rằng, tình trạng sạt lở là do mố A2 của cầu Kỳ Lam được thi công không phù hợp khiến dòng chảy qua thôn bị thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến nhà dân và đất đai. Người dân đã nhiều lần ý kiến với chủ đầu tư, nhà thầu các các cấp chính quyền nhưng không thay đổi.

Sạt lở nghiêm trọng nhưng người dân cản trở không cho nhà thầu thi công
Sạt lở nghiêm trọng nhưng người dân cản trở không cho nhà thầu thi công

Chủ đầu tư sau đó có đề nghị được tiến hành khắc phục sạt lở mố cầu nhưng bị người dân phản ứng vì cho rằng dù có khắc phục như cũ thì đất đai, nhà dân tiếp tục bị sạt lở khi lũ về.

Theo lãnh đạo xã Điện Quang, trước tình trạng sạt lở đe dọa 39 hộ dân trong thôn Kỳ Lam, UBND xã đã có báo cáo tình hình lên UBND thị xã, UBND tỉnh và Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để xem xét, giải quyết; còn việc thực hiện chính sách hỗ trợ, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở trong thời gian đến thì chính quyền xã không thể thực hiện được do không đủ thẩm quyền.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết, thôn Kỳ Lam này có 39 hộ dân, đã có 4 hộ dân nằm trong hành lang đường cao tốc đã được bồi thường, di dời, còn lại 35 hộ kiên quyết phản đối vì cho rằng mố cầu A2 làm ảnh hưởng đến họ. Họ yêu cầu di dời dân hoặc làm bờ kè. Việc này, Ban QLDA đã làm việc với địa phương, tỉnh và Bộ GTVT.

Những trận mưa lũ vừa qua do ảnh hưởng của bão số 12 làm chân mố cầu thêm sạt lở nặng
Những trận mưa lũ vừa qua do ảnh hưởng của bão số 12 làm chân mố cầu thêm sạt lở nặng

Ngày 18/11 vừa qua, Ban QLDA đường cao tốc đã có văn bản gởi tỉnh Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và Công an địa phương về việc đề nghị địa phương hỗ trợ dự án thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh và gia cố hư hỏng chân khay sau mố A2 cầu Kỳ Lam.

“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 35/39 hộ dân còn lại bị kẹp giữa đường cao tốc và đường sắt vẫn liên tục cản trở và đe dọa nhà thầu triển khai thi công sửa chữa phần hư hỏng tại mố A2 cầu Kỳ Lam và yêu cầu các cấp chính quyền có phương án di dời, tái định cư đến nơi ở khác”, văn bản của Ban QLDA đường cao tốc đề nghị.

Theo văn bản của Ban QLDA, vừa qua do ảnh hưởng của bão số 12 đã tiếp tục gây hư hỏng nghiêm trọng chân khay và tứ nón chưa được xử lý ở đợt mưa bão trước làm xói lở, khoét sâu dưới mặt đất tự nhiên hơn 1m.

Do đoạn đường đầu cầu được đắp bằng vật liệu dạng hạt rất dễ bị xói lở, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình và an toàn khai thác tuyến đường cao tốc, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông vận tải…

Do đó, Ban QLDA đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền vận động với các hộ dân cản trở thi công, đồng thời có kế hoạch bảo vệ thi công, tạo điều kiện để nhà thầu tiếp tục thi công sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng do mưa bão và thi công đường gom để đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân thôn Kỳ Lam và đảm bảo chất lượng dự án cao tốc.

Công Bính