Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau ngày càng nghiêm trọng

(Dân trí) - Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hàng chục điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm kéo dài cả trăm kilomet.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Trong đó, sạt lở bờ sông, bờ biển có xu hướng diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. UBND tỉnh Cà Mau đã phải ban bố nhiều tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển.

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau ngày càng nghiêm trọng - 1

Một vụ sạt lở bờ sông khiến nhà dân hư hại trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 46/54 điểm sạt lở bờ sông nguy hiểm, với tổng chiều dài hơn 100km, tập trung ở các huyện: Năm Căn (10 điểm, dài hơn 18,3km), U Minh (6 điểm, dài hơn 10,6km), Phú Tân (10 điểm, dài hơn 26,2km), Cái Nước (1 điểm, dài 25m), Ngọc Hiển (1 điểm, dài 11,5km), Đầm Dơi (11 điểm, dài hơn 28,7km) và TP Cà Mau (7 điểm, dài hơn 5km).

Có 6/19 điểm sạt lở bờ biển nguy hiểm, với chiều dài hơn 5km nằm trên tuyến đê biển Tây, gồm: Đoạn bờ Nam Kênh Mới (dài 300m), đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (dài 1,7km), đoạn Nam Sào Lưới (dài 820m), đoạn Bắc Sào Lưới (dài 300m) thuộc huyện Trần Văn Thời; đoạn bờ Bắc - bờ Nam Kênh Dòng Cát (dài hơn 1,8km), đoạn bờ Bắc - bờ Nam Tiểu Dừa (dài 400m) thuộc huyện U Minh.

Những điểm sạt lở nghiêm trọng nói trên đã và đang đe dọa trực tiếp đến tài sản, an toàn giao thông và tính mạng của người dân, cần thiết phải cắm biển cảnh báo.

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trong năm 2018, tỉnh này đã cho cắm 218 biển tại các điểm sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, an toàn giao thông của người dân.

Trước tình hình hiện nay, để phòng tránh các thiệt hại do sạt lở đất gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng ý chủ trương để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở đất.

Trong đó, ưu tiên thực hiện trước tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và khu vực đông dân cư; hạn chế thực hiện ở những vị trí chưa thật sự cần thiết, nhằm tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả tuyên truyền, cảnh báo.

Dự toán kinh phí cho việc cắm biển báo nói trên là 333 triệu đồng (chi phí xây dựng, cắm biển cảnh báo sạt lở, chi phí kiểm tra...) từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau.

Huỳnh Hải