1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Sắp trình dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Đại điện của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) vào quý 2 năm nay.

Thông tin trên được công bố trong Hội thảo “Tham vấn bài học kinh nghiệm từ Luật Biến đổi khí hậu Anh Quốc và Xây dựng chiến lược BĐKH ở Việt Nam” diễn ra sáng 18/3 tại Hà Nội.

Theo kịch bản của dự thảo, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 3 đến 5oC; mực nước biển trung bình có thể dâng trên 1m; các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm… sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Phần lớn dân số Việt Nam nằm trong các vùng bị ảnh hưởng (đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển).

Mục tiêu tổng quát của dự thảo là nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và cách ứng xử đúng đắn của con người đối với thiên nhiên và quá trình phát triển kinh tế - xã hội; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong từng giai đoạn theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; xác định và tổ chức thực thi có hiệu quả các giải pháp thích nghi, ứng phó tích cực với BĐKH.
 
Sắp trình dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu  - 1
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu giới thiệu Dự thảo Chiến lược Quốc gia BĐKH
 
Dự thảo cũng đề ra một số nhiệm vụ cấp bách nhằm ứng phó và thích nghi hiệu quả đối với BĐKH bao gồm: Lập bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, củng cố nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển ở các đoạn xung yếu nhất; các dự án chống ngập các thành phố lớn; quan tâm định hướng phát triển nền công nghiệp xanh, đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời;...

Các lĩnh vực cần thích ứng với BĐKH là tài nguyên nước, nông nghiệp, rừng và các hệ sinh thái, vùng đồng bằng và ven biển, kinh tế - xã hội - cộng đồng.

Trong khi đó, các lĩnh vực cần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: Năng lượng và giao thông vận tải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; quá trình công nghiệp; quản lý chất thải; các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tiến trình và nhu cầu phát triển quốc gia (NAMAs).

Các giải pháp thực hiện chiến lược sẽ bao gồm các giải pháp tài chính; hoàn thiện thể chế, tổ chức; hợp tác và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ.

Dự thảo được xây dựng dựa trên sự tham khảo chiến lược, định hướng về BĐKH của các nước: Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, EU, cũng như các nước đang phát triển. Dự thảo cần sự đóng góp của các chuyên gia trong ngành để được cập nhật và hoàn thiện hơn trước khi đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Thảo Nguyên