1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sắp mở tòa vụ Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cuối năm nay sẽ xử 6 “đại án” liên quan đến Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Dương Tự Trọng, Huỳnh Thị Huyền Như…

Quá trình điều tra các vụ án lớn liên quan đến Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Huỳnh Thị Huyền Như… đã lâu nhưng chưa đưa ra xét xử khiến cử tri và nhiều Đại biểu Quốc hội cảm thấy nóng lòng. Xin ông cho biết, đến bao giờ quá trình điều tra sẽ hoàn thành và trong năm nay các “đại án” này có được đưa ra xét xử hay không?

Hiện nay, 6 vụ đã có kết luận điều tra, chúng tôi ủy quyền công tố các cơ quan thi hành tố tụng của hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Cụ thể, Hà Nội sẽ xét xử 3 vụ gồm Dương Chí Dũng - Vinalines, vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn và vụ Ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên. Trong 3 vụ ở Hà Nội thì vụ Ngân hàng ACB và vụ Dương Tự Trọng đã bàn giao cho tòa án.

Còn trong Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử 3 vụ gồm vụ Vifon và vụ Công ty cho thuê tài chính 2. Hai vụ này theo thống nhất với tòa, phiên tòa sẽ được mở ra vào đầu tháng 11 tới. Vụ thứ 3 của Thành phố Hồ Chí Minh là vụ Huỳnh Thị Huyền Như của Ngân hàng Công thương. Những vụ này đã hoàn tất cáo trạng, thời gian cụ thể tòa án sẽ quyết định nhưng chắc chắn phiên tòa sẽ được mở trong quý 4 năm nay.

Những vụ còn lại lộ trình xử lý dứt điểm thế nào, thưa ông?

Đối với án thì không thể nói những vụ còn lại được. Mỗi một vụ nó có yêu cầu chứng minh khác nhau, khả năng đáp ứng của cơ quan điều tra và viện kiểm sát khác nhau. Nhưng tinh thần chung sẽ tập trung điều tra, phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và cơ quan công tố, khẩn trương chuyển sang tòa án để có thể kết thúc điều tra và xét xử. Những vụ còn lại khả năng phải sang 2014.

Vậy có vướng mắc, khó khăn gì trong những vụ án phải để sang năm 2014 mới đưa ra xét xử?

Ngoài khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn thì đối tượng có chức vụ và vụ án cũng lớn, yêu cầu chứng minh nhiều. Hơn nữa, rất nhiều vụ có yếu tố nước ngoài phải có tương trợ tư pháp đối với cơ quan thi hành tố tụng ở nước ngoài. Thế nhưng hưởng ứng của các cơ quan tố tụng ở nước ngoài có những nước tốt nhưng cũng có những nước còn hạn chế.

Trong khi đó, đòi hỏi của dư luận rất cao ở các vụ án này là vừa phải làm chính xác, triệt để nhưng lại phải nhanh, khẩn trương. Đây thường là những yêu cầu trái nhau vì vậy tinh thần các cơ quan thi hành tố tụng sẽ cố gắng hết mình và sẽ phối hợp với nhau rất chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Với lộ trình như vậy nhiều Đại biểu cho rằng là rất chậm và càng để lâu thì việc thu hồi tài sản thất thoát lại càng khó. Ông có ý kiến gì về việc thu hồi tài sản ở các vụ án tham nhũng?

Thực ra các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung không phải đến bây giờ mà từ rất lâu rồi và cũng không phải chỉ có ở Việt Nam, ở nhiều nước cũng vậy khả năng thu hồi tài sản đối với các vụ án này không bao giờ đáp ứng được yêu cầu, tức là không bao giờ thu được 100%. Đây là một thực tế vì những vụ án khi các cơ quan thi hành tố tụng phát hiện thì sự kiện phạm tội xảy ra trước đó nhiều năm chứ không phải nó chỉ xảy trong quá trình điều tra.

Quá trình vi phạm diễn ra nhiều năm như thế cho đến lúc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh. Còn giai đoạn này mà thu được 100% là điều khó thực hiện, không phải chỉ nước ta, không phải chỉ thời điểm này mà cả sau này. Nhưng tinh thần chỉ đạo chung thì phải cố gắng thu hồi càng nhiều càng tốt.

Trong tương lai theo tôi cũng cần phải thay đổi Luật Tố tụng hình sự để tăng thêm khả năng truy thu tài sản. Bởi chúng ta đang có một hạn chế là những tài được chứng minh hình thành một cách bất hợp pháp từ con đường phạm tội thì mới được thu. Tôi nghĩ là sắp tới chúng ta phải khắc phục việc này.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)