1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sắp có vùng đô thị TPHCM

Ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng vừa cho biết, chậm nhất là đến quý 4 năm 2007, Bộ sẽ trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng đô thị TPHCM. Đây sẽ là một trong hai vùng đô thị của cả nước, cùng với Hà Nội.

Dự kiến trước mắt vùng TPHCM sẽ bao gồm TPHCM và 7 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang. Trước khi trình Thủ tướng, quy hoạch vùng đô thị TPHCM sẽ có sự đóng góp ý kiến của đại diện các tỉnh, thành trong vùng.

  

Sẽ có sự phân công phù hợp cho mỗi địa phương nhằm tạo ra bức tranh chung của cả vùng, tận dụng thế mạnh, tránh phát triển tự phát, phân tán. Chẳng hạn, Biên Hòa sẽ tập trung vào công nghiệp, Vũng Tàu sẽ tập trung vào du lịch, dầu khí, Thủ Dầu Một xây dựng một đô thị của cảnh quan, sinh thái.

 

Một con đường với chi phí 9.000 tỷ đồng nối TPHCM với sân bay Long Thành và Tây Nguyên sẽ được xây dựng. Đó là một trong những công trình chiến lược thực hiện quy hoạch vùng đô thị TPHCM.

 

Vùng còn liên quan nhiều đến môi trường đầu tư của các nước ASEAN, vì có đường biên giới Mộc Bài và một số cửa khẩu quốc tế khác.

 

Theo ông Chính, sau này có thể thành lập Ban quản lý vùng, hoặc Ban chỉ đạo vùng, hoặc tổ công tác riêng của vùng trực thuộc chính phủ, hay do Thủ tướng trực tiếp điều hành.

 

Về vấn đề này, mới đây, chuyên gia đô thị Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viên nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, góp ý: Vùng TPHCM cần có hội đồng lãnh đạo các đơn vị thành viên do một Phó Thủ tướng chỉ trì cùng một số Bộ - ngành.

 

Ông Sơn còn cho rằng, trước mắt cần lập cả vùng đô thị Đà Nẵng. Ông Chính cũng khẳng định trong tương lai việc này có thể được thực hiện.

 

Tại Hội thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, một số dự kiến thay đổi quy hoạch TPHCM được đưa ra, như: điều chỉnh quy mô diện tích đất dành cho mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và nghiên cứu khoa học khoảng 1.000 ha tại quận 9, quận 7 và huyện Củ Chi. Bố trí các trung tâm y tế kỹ thuật cao gắn với chẩn đoán, điều trị theo mô hình viện - trường tại huyện Bình Chánh và Củ Chi (mỗi khu khoảng 100 ha).

 

Trở ngại cho TPHCM là trên 50% đất nền (thuộc khu vực phía Nam) yếu, đòi hỏi phải có quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo an toàn và tránh ngập úng.

 

Về quy mô dân số TP, vẫn giữ quy mô dân số khoảng 10 triệu người vào năm 2020 như quy hoạch chung năm 1998 và giữ ổn định đến 2025, đồng thời đáp ứng nhu cầu hoạt động của 20% - 25% người vãng lai. Nhưng đề xuất điều chỉnh mức khống chế ở khu vực nội thành gồm các quận cũ và mới là khoảng 7,4 triệu người (Quy hoạch chung năm 1998 là 6 triệu người).

 

Thủ tướng đã chỉ đạo: “Vấn đề quy hoạch của thành phố lớn là không được phạm sai lầm, phải có tầm nhìn dài hạn”.

 

Một số ý kiến góp ý không nên nói xây dựng TPHCM thành “hòn ngọc viễn đông”, đại đô thị văn hóa một cách chung chung, mang tính chất tự phong, mà phải có những tiêu chí cụ thể.

 

Theo Phạm Cường

VietNamnet