1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Sáng mắt sau 50 năm bị mù

Nửa cuộc đời chìm trong bóng tối, bị ruồng bỏ, phải sống cảnh đói nghèo... vẫn không thể buộc trái tim chị Lệ nguội lạnh. Chọn việc làm thiện nguyện không lương là cách ý nghĩa nhất để trả ơn cuộc đời đã cho chị cơ hội tìm lại nguồn sáng.

 
Sáng mắt sau 50 năm bị mù - 1
Làm thiện nguyện để trả ơn đời
Mắt mù, tình phụ, đời nghèo
 

Trong căn nhà tình thương do xã Mỹ Hoà xây cho, bên ánh điện tù mù, chị Lệ tâm sự: “Cuộc sống của tôi cách đây hai năm trở về trước, nói thiệt, còn mờ mịt hơn cái bóng đèn này. Lúc sinh ra tôi bị mù bẩm sinh. Hồi đó nghèo, bố mất sớm, nhưng mẹ vẫn đưa tôi đi khắp nơi chữa trị mà không khỏi. Rồi mẹ đi tìm hạnh phúc khác, biền biệt. Ba chị em tôi coi như mồ côi. Hàng ngày tôi lủi thủi trong nhà, dỏng tai ngóng lũ bạn trong xóm chơi đùa, ngóng bước chân mẹ về…!”

Năm 28 tuổi, chị Lệ tìm được tình yêu với một chàng trai trong xã. Bất chấp gia đình người yêu phản đối, không chấp nhận con dâu mù, đám cưới vẫn diễn ra. Đứa con trai vừa chào đời thì vợ chồng chị chia tay. Người đàn ông đã từng thề trọn kiếp này làm ánh sáng dẫn đường cho chị đã không thể chịu nổi sự ruồng bỏ của gia đình, của cuộc sống túng nghèo hiện tại, đã trở về nhà cha mẹ ruột, bỏ lại hai mẹ con chị trong mái nhà xiêu vẹo, dột nát, “Con trai mới mấy tháng, thiếu sữa bú, nên tôi phải nấu cơm, chắt lấy nước nuôi con.
 
Nhiều lần nhóm bếp, tôi lỡ đưa tay vào lửa, nên giờ đầy thẹo. Có lần dập lửa không kỹ, củi cháy bén cả vách tranh, may nhờ hàng xóm phát hiện kịp. Mẹ con tôi đi xin làm thuê, nhặt lúa, mót đậu về sống qua ngày...”. Bé Vũ lên bốn thì hai mắt cũng tự dưng yếu dần. Học không theo kịp bạn bè ở lớp, Vũ đành bỏ dở. Hai mẹ con dắt nhau lên Sài Gòn bán vé số: “Được đâu một thời gian, tôi thấy trong người không khoẻ nên trở về, để mỗi thằng Vũ ở lại tiếp tục kiếm tiền...”, chị Lệ ứa nước mắt.

Trả ơn đời

Năm 2009, đoàn bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM về Bến Tre làm thiện nguyện, xã Mỹ Hoà được một số suất phẫu thuật mắt miễn phí. Chị Lệ là một trong những hoàn cảnh được ưu tiên. “Lúc đó tôi thật sự không tin mắt mình có thể chữa khỏi. Tôi mù suốt năm mươi năm qua, da thịt ở mắt cũng đã chết rồi, cứu gì nổi...”
 
Là người trực tiếp kiểm tra tình trạng mắt của chị Lệ lúc đó, bác sĩ Đào Thị Tuyết, trưởng khoa Mắt, bệnh viện thành phố Bến Tre, nhớ lại: “Chị Lệ bị đục thuỷ tinh thể, nếu để chậm thêm nữa, e rằng mắt chị sẽ không cứu kịp, bởi trong lúc kiểm tra, chúng tôi nhận thấy tín hiệu co dãn của đồng tử rất yếu. May là võng mạc vẫn còn rất tốt. Vậy là chúng tôi quyết định phẫu thuật ngay...”
 
Quá trình phẫu thuật đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp phaco diễn ra chỉ trong bảy phút của ngày 16.5.2009. Vài ngày sau, mắt chị Lệ tháo băng. Khoảnh khắc đó, chị bảo vừa lo sợ, vừa hy vọng: “Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy màu xanh cây lá, màu trắng áo bác sĩ, gương mặt những người hàng xóm và nhất là con trai tôi, từ lúc lọt lòng đến khi cháu 21 tuổi tôi mới biết mặt. Tôi vui đến đơ cả người, chẳng biết tả làm sao. Giống như mình đang sống lại ở một cuộc đời khác, đầy ánh sáng”.

Sau sáng mắt gần một tháng, chị Lệ tìm đến bệnh viện Ba Tri xin làm nhân viên phục vụ căntin. Hàng ngày, chị nấu ăn và phân phát suất ăn miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Công việc không lương nhưng luôn làm chị vui vì sống có ý nghĩa. Con đường từ bệnh viện Ba Tri về nhà chị xa không dưới mười cây số, đều đặn hơn hai năm nay, cứ bốn giờ sáng chị đạp xe đi, sáu giờ chiều lại tất tả trở về. Nhiều bữa mưa gió, đường trơn trượt, chiếc xe đạp nhào luôn xuống đám bùn sình. “Mấy chuyện đó có là gì đâu so với đôi mắt sáng mà cuộc đời đã cho tôi”, chị Lệ hạnh phúc nói.

Chị Nguyễn Thị Lệ, 52 tuổi, nhà ở ấp Xóm Mới, xã Mỹ Hoà, huyện Ba Tri, Bến Tre. Con trai chị là Nguyễn Hồng Vũ, 23 tuổi, hiện vẫn mưu sinh bán vé số ở TP.HCM. Chị tâm sự: “Vì tôi bệnh tật mà con trai phải lang thang khắp nơi, khổ cực. Chỉ mong con đầy đủ ý chí để bước qua những chướng ngại trong cuộc đời”

 
Theo Cát Minh
Sài Gòn Tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm