Sản vật núi rừng bị “tận diệt” tại hội xuân Yên Tử
(Dân trí) - Đi hội xuân năm nay, nhiều du khách không khỏi xót xa khi chứng kiến những “sản vật” của núi rừng Yên Tử dù nhỏ bé như con dúi, con sóc, cây trúc, đọt măng… cũng đang bị bòn rút đến mức đáng báo động.
Rừng trúc đang bị tận diệt
Từ hàng trăm năm nay, bốn chữ “Trúc lâm Yên Tử” đã đi vào tiềm thức của triệu triệu người dân đất Việt như một vùng đất linh thiêng gắn liền với vị Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông - người đã từ bỏ ngai vàng để khoác áo cà sa đến tu hành để rồi đắc đạo tại núi rừng thiêng đất Yên Tử (nay là thị xã Uông Bí - Quảng Ninh) cách đây hơn 702 năm.
Mỗi khi vùng địa linh Yên Tử được nhắc đến là trong hình dung của mỗi chúng ta lại hiện lên hình ảnh cánh rừng đặc dụng với các loại thú quý hiếm và nhiều loại cây rừng, đặc biệt là những “khu vườn” trúc bạt ngàn đẹp đến mê hồn. Vậy mà, du xuân Yên Tử năm nay, chỉ mới vào đến cổng khu di tích, nhiều người đã không khỏi xa xót về “phận” trúc thiêng nơi đây.
Gậy trúc được bán công khai trên tuyến đường lên chùa Hoa Yên - Yên Tử với giá 5.000 đồng/gậy.
Nơi đâu cũng thấy trúc, bạt ngàn trúc, la liệt trúc. Nhưng đáng buồn thay đó lại là những cây trúc đã “thành phẩm” được chặt đẽo rất gọn gàng hoặc được bó lại chừng vài ba chục thân một bó với giá 5.000đ một cây, thân trúc đã trở thành cây gậy đắc lực để phục vụ cho khách làm phương tiện leo núi đi trẩy hội khi lên đỉnh Yên Tử.
Theo ước tính của ban tổ chức, lễ hội xuân Yên Tử 2011 từ mồng 1 tết đến nay có trên 40 vạn lượt du khách. Nếu cứ tính trung bình hai du khách có một người mua gậy trúc leo núi nghĩa là chỉ trong vòng 10 ngày đầu xuân Tân Mão, ít nhất đã có trên 20 vạn cây trúc bị tàn sát. Đó là chưa kể, tổng kết hội xuân Yên Tử hàng năm có hàng triệu lượt khách và đã tước đi “sinh mạng” hàng triệu thân trúc. Như vậy rừng trúc còn tồn tại được bao năm nữa?
Chẳng phải nói về một tương lai quá xa, chỉ cách đây vài mùa hội, măng trúc Yên Tử dù quá nổi tiếng nhưng nhìn đâu cũng la liệt trong mùa hội với giá rẻ như bèo. Vậy mà mùa lễ hội năm nay, ngay trong ngày khai hội, tìm mỏi mắt mới thấy vài ba hàng tận dưới cổng khu di tích. Những người phụ nữ bán măng trúc vẫn mặc nguyên cả những chiếc áo mưa, đội mũ tơi, bùn lên tận khoeo chân.
Người phụ nữ đang giới thiệu về con Dúi trước sự tò mò của du khách.
Chị Nguyễn Thị Nhung - một người dân vùng Yên Tử bán măng trúc - thanh minh về giá măng trúc Yên Tử năm nay quá đắt, lên đến 120 nghìn đồng 1 kg: “Từ tảng sáng, lúc gà gáy canh ba đến giờ, cả gia đình em 6 người cùng khăn gói vào rừng lấy măng bán ngày khai hội. Đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, ngần ấy người chỉ lấy được ngần này măng (chị Nhung chỉ vào túi măng chừng chưa nối chục kg). Lấy xong, ba người vào sâu tìm măng tiếp phân công ba chị em chúng em vượt rừng ra hội bán măng cho kịp giờ. Chứ bao giờ được như ngày xưa, đâu chả có măng. Lấy măng dễ như lấy trong túi áo”. Giọng chị vẫn chưa hết ngậm ngùi, tiếc nuối.
Cây trúc hiền lành như thế đương nhiên “cam chịu” cho người dân “hạ sát”. Nhưng những con thú dù nhỏ bé và nhanh nhẹn bậc nhất của núi rừng Yên Tử như con dúi, con sóc,… cũng không thoát nổi khỏi quyết tâm “truy sát” của người dân địa phương. Dọc đường lên Yên Tử, thi thoảng du khách lại được nghe tiếng chào mời và chứng kiến những con thú nhỏ bé đang bị treo ngược quằn quại được rao bán.
Trên lối vào khu danh thắng Yên Tử, một người phụ nữ buộc một con dúi chừng 1kg vào một cây trúc liên tục rao bán và hướng dẫn luôn cách làm thịt: “Dúi rừng vừa bị trúng bẫy. Chế biến thịt dúi ngon nhất là tiết canh. Sau đó đem làm như thịt gà. Loại dúi Yên Tử bây giờ hiếm lắm. Con này là loại lớn rồi giá chỉ 4 trăm nghìn thôi”.
Ùn tắc kéo dài, hỗn loạn tại cáp treo
Một điều đáng ghi nhận tại khu vực cáp treo Yên Tử năm nay là hầu như không có tình trạng phe vé chèo kéo du khách. Thế nhưng, suốt buổi sáng ngày khai hội xuân Yên Tử, trong tiết trời lắc rắc mưa, hàng nghìn người đã bị dồn ứ trên đoạn đường dẫn đến nhà ga cáp treo gây ra một cảnh hỗn loạn và lộn xộn khiến nhiều du khách hết sức mỏi mệt, nhất là các cụ già và trẻ em.
Cảnh chen lấn và xô đẩy thường xuyên diễn ra ở khu vực xếp hàng chen chúc này. Vì thế, đã xảy ra những xô xát nhỏ và đã lác đác có người than vãn do bị móc mất ví và điện thoại. Bên khu vực đường xuống của du khách vừa xuống cáp treo, cũng là lối đi ưu tiên dành cho một số quan khách có giấy mời ưu tiên, cũng xảy ra tình trạng khá lộn xộn.
2 hành khách trong cabin cáp treo phải đứng vì ghế đã kín chỗ.
Tại điểm chốt chặn này có hai nhân viên của Công ty cáp treo Tùng Lâm trực gác. Nhưng theo quan sát của phóng viên, họ làm việc khá tắc trách và “tùy hứng”. Nghĩa là một số người gánh hàng rong hay người thân quen từ các bộ phận khác không hiểu sao đều dễ dàng được cho qua trong khi nhiều khách mời có giấy mời ưu tiên và thậm chí phóng viên các báo có giấy ưu tiên và xuất trình thẻ để tác nghiệp đều bị gây khó dễ, yêu cầu phải xếp hàng nối đuôi chờ đến lượt. Chính vì cách làm việc như trên mà tại đường xuống cáp treo cũng thường xuyên diễn ra ách tắc gây bức xúc cho nhiều người.
Qua được điểm “kiểm soát” của nhân viên Công ty CP Cáp treo Tùng Lâm đã khó, đến khu vực ga, tình trạng hỗn loạn còn kinh khủng hơn. Theo quy định của nhà sản xuất, để đảm bảo an toàn, mỗi cabin cáp treo chỉ được chở tối đa 9 người. Nhưng hầu như không có nhân viên kiểm soát tại khu vực này nên khi mỗi cabin vừa cập bến, cả đám đông ào ào lao vào với khí thế “mạnh ai lấy được”. Chứng kiến của PV Dân trí ngay trong ngày đầu khai hội, có khá nhiều cabin đã chở đến trên 10 người, thậm chí có ca bin chở đến 14 người.
Nhân viên quản lý tại Ga cáp treo đã cho người gánh hàng rong đi qua cửa ưu tiên lên đỉnh Yên Tử.
Chị Nguyễn Thị Hoa - du khách từ Phú Thọ - bức xúc: “Cabin tôi đi lúc khoảng 11 giờ 30 ngày khai hội có đến 14 khách chồng chéo lên nhau. Cứ mỗi điểm chạm cột, cáp treo lắc lư khiến hành khách, nhất là các hành khách nữ hét lên sợ hãi. Tôi nghĩ nếu khi nào cáp treo cũng quá tải thế này, nếu xảy ra sự cố, không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Ngày 11/2/2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn hỏa tốc số 282/TB-BVHTTDL ban hành về việc thực hiện Công điện số 162/QĐ-TTg ngày 09/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội định kỳ và đột xuất; phối hợp xử lý nghiêm những sai phạm, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực tại các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có quy mô lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dầy, Hội Lim, Đền Hùng, Đền Trần (Nam Định), Bà Chúa xứ (An Giang)…
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức quản lý lễ hội trên địa bàn mình quản lý. |