1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Săn chim trời mùa gặt

(Dân trí) - “Tối nay đi bẫy chim nhé, hay lắm”, Thanh - một “thợ” bẫy chim lâu năm đưa ra đề nghị hấp dẫn. Tôi không thể từ chối vì đây là cơ hội có một không hai để tự tay mình bẫy được loài kích biển, quốc sầu, gà lôi béo ú...

Đồng ruộng Khánh Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) sau mùa gặt chỉ trơ lại gốc rạ. Mới 5 giờ chiều, nhóm thợ bẫy chim đã ôm cọc tre, lưới vẫy, đèn pin… sẵn sàng cho một đêm “chinh phục” chim trời.

 

Hết mùa gặt, và cũng là thời điểm mùa bão nên chim biển tìm về những cánh đồng ngày một nhiều hơn, đó là lúc “mùa vụ” của thợ đánh chim bắt đầu. Thanh thuần thục cắm những cây tre dài, nhỏ, thon, thẳng xuống bờ ruộng, nói rằng một thợ đánh chim phải có ít nhất bốn mươi cây tre, vài trăm mét lưới và phải biết đón hướng chim tìm ăn.

 

Thanh cho biết, muốn bẫy được chim trời thì phải biết chăng lưới theo hướng gió, cọc tre vít lưới cũng phải cắm đều theo chân ruộng theo hình chữ thập, khoảng 30m một cọc. Một thợ bẫy chim có thể cắm được sáu mươi chiếc cọc tre, và căng được hơn hai trăm mét lưới. Anh Lê Tiếp, một thợ bẫy chim lành nghề bật mí, tất cả các loại chim sẽ mắc bẫy nếu lưới được căng cách mặt đất khoảng 1,5m, lưới phải chùng và võng ở một độ nhất định.

 

Săn chim trời mùa gặt - 1

Công đoạn cắm cọc tre, giăng lưới.

 

Trước đây, thợ bẫy chim chủ yếu dùng phương pháp thủ công để dụ chim vào bẫy; bây giờ mọi công đoạn đã được “cơ giới hoá” một cách tinh vi để bẫy cả những loại chim khôn ngoan nhất. Trong cái bao vứt ở mé ruộng có chứa tất cả “tiếng kêu” của các loài dạt biển, gà nước, gà lôi, quốc sầu… Đó là những chiếc còi do anh em tự chế từ quả bầu khô, nhằm đánh lừa những đàn chim đang tìm về đất liền di trú.

 

Mới 6 giờ sáng, chợ Nghèn (Can Lộc) nhốn nháo và đông hơn bình thường. “Mấy hôm nay chim về tránh bão nên đánh được nhiều lắm”, mang hơn 100 con chim trời đủ loại từ Thạch Hà ra từ sáng sớm, Lê Văn Hải không giấu được niềm vui sau một đêm thức trắng giăng lưới bẫy chim trời.

 

Vòng qua chợ, tôi thử “làm giá”: cuốc lủi, 3 nghìn đồng/con; gà nước, gà lôi, 7 nghìn đồng/con; dạt biển, 4 nghìn đồng/con… Dọc quốc lộ 1A, đoạn rẽ lên khu di tích Đồng Lộc, có khoảng vài chục phụ nữ thay chồng mang “chiến lợi phẩm” là những chú chim trời béo ngậy xuống chợ bán.

Những tiếng kêu phát ra từ quả bầu khô được thợ bẫy chim thu vào băng casset, khi nào đi bẫy thì bật lên. “Nhờ chiếc loa kích âm nên tiếng chim có thể bay xa nhiều km, do đó dụ được rất nhiều chim vào bẫy”, anh Tiếp cho biết. Loài chim biển chỉ tìm ăn về đêm; thời gian chim về nhiều bắt đầu từ 12 giờ đêm trở về sáng. Nhờ sử dụng “công nghệ cao” mà có đêm, mỗi thợ bẫy được hàng trăm con dạt biển, quốc sầu.

 

Trong túp lều dã chiến dựng lên từ mé ruộng, nhóm thợ bẫy chim của anh Tiếp đang hướng cặp mắt ra cánh đồng tối đen như mực. Tin bão xa báo hiệu một đêm bội thu khi lượng chim từ biển tìm về đất liền rất đông. Ngồi trong lều, nhưng chỉ cần một con chim vướng vào lưới cách đó hàng trăm mét, anh em vẫn biết. “Trên mỗi cọc tre đều được treo hai mảnh kim loại mỏng, chim bay từ xa vướng vào lưới làm cọc rung nên miếng kim loại phát ra thành tiếng”, Thanh lý giải.

 

Săn chim trời mùa gặt - 2

Bó gối thâu đêm chờ chim mắc bẫy.

 

Trăng đêm cuối tháng nhập nhoà phía dãy Trường Sơn. Lần theo bờ ruộng vừa gặt ban chiều, trong chiếc bao của Thanh đã có hai chục con gà nước, chiến lợi phẩm sau mấy tiếng đồng ngồi bó gối. Sẵn rơm khô, Tiếp chọn hai con kích biển ra vặt lông rồi nướng. Mùi thịt chim thơm lừng cả một vùng đồng hoang…

 

Trần Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm