1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sâm Ngọc Linh tiếp tục được đề nghị nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vừa chủ trì cuộc họp để rà soát lại các tiêu chí và chế độ quản lý thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt là loài Sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh tiếp tục được đề nghị nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm - 1

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp (Ảnh: Bộ TN-MT).

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp trên, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn- Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 160/2013 và một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là các ý kiến về “không đưa loài Sâm Ngọc Linh ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Các loài đề xuất đưa ra hoặc đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm đã được xem xét, đánh giá thông qua Hội đồng thẩm định loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã bao gồm đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội động vật học Việt Nam, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và các nhà khoa học.

Danh mục loài cũng đã được thống nhất trong thành viên Chính phủ, một số ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ tham gia tại cuộc họp, đặc biệt xung quanh việc “không đưa loài Sâm Ngọc Linh ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân kết luận: Không sửa đổi, bổ sung danh mục đã trình trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều và Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Sâm Ngọc Linh tiếp tục được đề nghị nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm - 2

Củ sâm Ngọc Linh "khủng", có tuổi đời trên 100 năm được người dân ở Kon Tum phát hiện năm 2017.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép vẫn giữ cây Sâm Ngọc Linh, loại mọc tự nhiên, hoang dã trong rừng tự nhiên (trừ loài Sâm Ngọc Linh được nhân nuôi) thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vì đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và các quy định tại Luật Đa dạng sinh học 2008, Nghị định 160/2013. Đặc biệt để tránh bị mất hoặc lai tạp nguồn gen quý cần được bảo tồn, lưu giữ nguồn gen gốc quốc gia và cũng là nguồn dự phòng nguồn gen gốc hỗ trợ cho thương mại hóa.

Việc giữ nguyên Sâm Ngọc Linh loại mọc tự nhiên, hoang dã trong rừng tự nhiên (trừ loài Sâm Ngọc Linh được nhân nuôi) trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, bảo đảm việc bảo tồn và phát triển bền vững loài này, đồng thời giúp tháo gỡ và tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại hóa loài Sâm này theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đưa “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định 160/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được Chính phủ ban hành về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất đối với công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học.

Danh mục kèm theo Nghị định gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng, 6 giống vật nuôi. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh mục này sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung định kỳ 3 năm một lần hoặc khi thấy cần thiết.

Thế Kha