1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Sai phạm ở Hải quan Hà Nội là nghiêm trọng”

(Dân trí) - Liên quan đến vụ tiêu cực tại Cục Hải quan Hà Nội và TPHCM, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, theo kết luận thanh tra, sai phạm tại Hải quan Hà Nội là lớn và cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra.

Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả thanh tra, ông Trần Văn Truyền khẳng định, hiện thanh tra đã có kết luận, báo cáo, chờ Thủ tướng cho ý kiến rồi sẽ công bố cụ thể. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng trao đổi một số nội dung được quan tâm.

Xin ông đưa ra một vài đánh giá về mức độ sai phạm của các đơn vị Hải quan mà thanh tra đã làm rõ?

Tất nhiên, có những sai phạm lớn, sai phạm nghiêm trọng tập trung quanh việc áp mã thuế hàng hoá, quản lý chất lượng hàng hoá, xuất xứ hàng hoá. Chúng tôi cũng phát hiện vấn đề miễn thuế tràn lan, không đúng đối tượng, nợ đọng thuế…

Có thể khái quát sai phạm bằng một con số cụ thể, thưa ông?

Chưa thống kê được số lượng sai phạm cụ thể nhưng tính tổng quát thì lớn hơn con số 100 tỷ đồng nhiều. Trong từng trường hợp cụ thể cũng cần xét đến những yếu tố khách quan nhưng thanh tra đã phát hiện rất nhiều lỗi chủ quan mà chủ yếu là ở Cục Hải quan Hà Nội. Thủ tướng cũng yêu cầu sai phạm này cần phải chấn chỉnh gấp nếu không sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thanh tra chính phủ có đưa ra kiến nghị xử lý cán bộ hải quan nào của Hà Nội, TPHCM?

Đương nhiên sẽ xử lý trách nhiệm và có cả việc thay đổi một số cán bộ ở đây nhưng cụ thể thế nào phải chờ ý kiến Thủ tướng rồi mới công bố.

Có trường hợp nào phải chuyển sang cơ quan công an?

Có! Thanh tra cũng đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý phần sai phạm trong việc áp thuế hàng hoá. Qua giám định ban đầu đã thấy gần 400 mẫu này là giả, gây ra lượng thất thoát tiền rất lớn. Còn cụ thể thiệt hại thế nào, chúng tôi chưa nói trước được, cần phải chờ điều tra mới có số liệu chính xác, chỉ biết là lớn.

Qua giải trình của cơ quan hải quan, đến lúc này có thể xác định là có dấu hiệu thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái?

Việc này thấy rõ vấn đề thiếu trách nhiệm. Do thiếu trách nhiệm trong việc nghiên cứu, vận dụng chính sách cơ chế nên dẫn đến việc có những quy định, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế. Người thực hiện đã bám vào hướng dẫn đó để áp thuế.

Dù có nguyên nhân từ sự hướng dẫn, nhưng người thực hiện cũng có lỗi chủ quan, dẫn đến sai phạm. Ở đây, người thực hiện cũng có sự lạm dụng trong xử lý tình huống

Nói chung, bước đầu xác định có sai phạm, sai ở mức độ khá phổ biến và khá nghiêm trọng. Chúng tôi đang kiến nghị xử lý trách nhiệm.

Vấn đề trách nhiệm có đặt ra với Tổng Cục Hải quan không, thưa ông?

Chúng tôi chưa đặt ra vấn đề trách nhiệm với Tổng Cục Hải quan. Tuy nhiên, nói TPHCM và Hà Nội thì cũng đồng thời thấy trách nhiệm của Tổng Cục Hải quan. Chúng tôi cũng đang làm việc tiếp với Tổng Cục, khi xong rồi mới có thể nói trách nhiệm của họ tới đâu. Còn bây giờ chưa đủ căn cứ, cơ sở để nói.

E ngại thanh tra, hậu quả nghiêm trọng

Công tác thanh tra năm 2008 có gì mới, thưa ông?

Thanh tra Chính phủ đặt trọng tâm nhiệm vụ năm 2008 phải giải quyết dứt điểm tình trạng thanh tra chậm, kết luận chậm. Trước khi vào bất cứ lĩnh vực thanh tra nào cũng phải có nghiên cứu cụ thể, sẽ có bao nhiêu đơn vị bị thanh tra, tiến hành bao lâu. Đến khi tiến hành và phát hiện ra sai phạm phải thông báo với đơn vị, doanh nghiệp những vấn đề phát hiện và yêu cầu có giải trình song song quá trình thanh tra.

Sau khi kết luận từng vấn đề sẽ ra kết luận cuối cùng. Như vậy tránh được tình trạng ra kết luận thanh tra lại phải xem xét, chờ đợi các giải trình sau đó của đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí phải sửa lại theo yêu cầu của Thủ tướng vì cơ quan thanh tra không có thông tin phản biện của doanh nghiệp.

Năm 2008 thanh tra sẽ hướng sự tập trung vào cổ phần hoá (CPH) của các doanh nghiệp. Vậy những sai phạm trong CPH chủ yếu diễn ra như thế nào?

Thất thoát trong CPH chủ yếu là ở khâu xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là hạ thấp giá trị của diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý. Tôi cũng nói trước, bất cứ doanh nghiệp nào có sai phạm trong việc định giá tài sản đều bị xử lý mà không chỉ đơn giản là xử lý thu hồi tài sản bị thất thoát mà sẽ tiến hành xử lý cả trách nhiệm cá nhân theo hướng: nếu thanh tra không phát hiện ra thì tài sản của nhà nước sẽ bị mất.

Từ định giá tài sản sai sẽ dẫn đến định giá cổ phiếu không chính xác. Nhiều doanh nghiệp làm ăn cả năm lời lãi không đáng kể nhưng định giá cổ phiếu lại quá cao cũng là một kiểu sai phạm phổ biến. Sau khi doanh nghiệp bán cổ phiếu ra thị trường, làm lụng cả năm cũng không đủ tiền để trả lãi đóng góp của cổ phiếu. Nhà đầu tư xem như bị lừa, thiệt thòi, mà doanh nghiệp cũng lao đao, nguy hiểm.

Tới đây, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ xem xét xử lý mạnh phần vi phạm này.

Với việc tập trung vào thanh tra công tác cổ phần hóa cũng sẽ khiến nhiều doanh ngiệp e ngại Thanh tra gây ra phiền toái cho họ?

Nói chung hoạt động thanh tra không có gì là phiền toái nếu nguyên tắc mỗi đơn vị tự thanh tra, kiểm tra mình được thực hiện. Nếu làm được việc đó thì cơ quan thanh tra cấp trên không phải làm nữa.

Ví dụ, muốn tiến hành cổ phần hóa một doanh nghiệp mà bản thân đơn vị đó, một là làm cho chắc chắn, hai là tự nguyện mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra làm việc ngay từ đầu, để thẩm định phương án, xem cách thức của mình làm là đúng hay sai. Quá trình triển khai làm công khai, minh bạch, dân chủ, không vấn đề gì khuất tất thì thanh tra chẳng phải vào làm gì cho cực. Nhưng nếu doanh nghiệp làm không đúng thanh tra phải vào cuộc.

Do tâm lý của các doanh nghiệp, các đơn vị cứ ngại, sợ thanh tra và chính vì thế nên khi phát hiện ra thì sai phạm đã có từ lâu, khắc phục không được. Mà khi đã khắc phục không được sẽ gây ra hậu quả lớn.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo - Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm