1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ cháu bé suýt bị chôn sống:

Sai lầm của bác sĩ và hộ lý?

Bác sĩ trực trong ca đẻ của sản phụ Nguyễn Thị Chi thừa nhận đã làm sai quy trình, thiếu cẩn trọng, không nghe tim mà đã kết luận cháu bé tử vong. Vụ cháu bé <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/7/126883.vip">suýt bị chôn sống</a> là do sai lầm của bác sĩ và các hộ lý bệnh viện?

Mấy ngày qua, dư luận Hà Nam và xã Tân Sơn xôn xao về vụ bác sĩ khoa sản Bệnh viên Đa khoa Hà Nam thiếu cẩn trọng dẫn đến cái chết không đáng có của một cháu bé vừa sinh ra. Chúng tôi đã về Hà Nam tìm hiểu sự thật.

 

Kíp trực đã thiếu cẩn trọng?

 

Bác sĩ Trịnh Văn Hải, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hà Nam kể lại sự việc: Sản phụ Chi được gia đình đưa vào khoa sản bệnh viện lúc 5h50, ngày 16/6. Sản phụ có thai 26 tuần (6 tháng). Sau khi được sinh ra, cháu bé có biểu hiện ngạt thở, ngừng thở. Bác sĩ trưởng kíp trực và các hộ lý xác định cháu bé đã tử vong.

 

Lúc đó, bác sĩ trực đã nói với người nhà rằng cháu bé sinh quá non nên không qua khỏi và bảo gia đình cho về. “Trong lúc vừa sinh ra, cháu bé không có biểu hiện gì của sự sống nữa, kíp trực mới xác định như vậy...” - Ông Hải nói.

 

Sau khi gia đình đưa cháu bé về và phát hiện cháu còn sống nên đã đưa trở lại bệnh viện, các bác sĩ tập trung cấp cứu và cho cháu thở ôxy. Các bác sĩ cấp cứu đã thống nhất tình trạng non tháng, rất yếu và trọng lượng chưa được 1kg, nếu còn hy vọng cứ đưa cháu đi vì trường hợp này ở đây chưa có bao giờ, lên tuyến trên may ra cháu có thể sống được.

 

18h ngày 16/6 bác sĩ của bệnh viện và người nhà đưa cháu bé lên Viện Nhi TƯ (Hà Nội). Bệnh viện cũng cử người lên thăm cháu bé và đề xuất với khoa cấp cứu của Viện Nhi TƯ xác định tình trạng và cứu giúp cháu bé.

 

Cháu bé được điều trị tại Viện Nhi TƯ 5 ngày sau thì mất. Ông Trịnh Văn Hải thừa nhận sai sót của nhân viên: “Kíp trực hôm đó có thiếu sót và không có kinh nghiệm trong trường hợp này. Về mặt tiếp xúc gia đình sản phụ, bệnh viện cũng đã làm nhưng đối với dư luận xã hội thì họ cần làm sáng tỏ nên bệnh viện sẵn sàng cung cấp thông tin khách quan nhất về vấn đề này...”

 

Cũng theo ông Hải, ngay sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện cũng đã triển khai với khoa sản về trách nhiệm khi trực đối với bệnh nhân của kíp trực. Hội đồng chuyên môn, Hội đồng kỷ luật của bệnh viện sẽ làm sáng tỏ vấn đề, quy rõ trách nhiệm.

 

Bác sĩ Hải thừa nhận: “Thời gian quyết định đưa cháu bé về sau khi xác định tử vong là khoảng 1 tiếng. Trong khi đó, theo quy định phải là sau 3, 4 tiếng vì trẻ sơ sinh hay có những cơn ngừng thở rồi lại bình thường, nhất là những ca đẻ đon. Tôi thừa nhận, về mặt chuyên môn, bác sĩ và hộ lý ca này đã thiếu sự cẩn trọng...”.

 

Ai chịu trách nhiệm?

 

Ca trực rạng sáng 16/6/2006 do bác sĩ Đào Thuý Hằng làm trưởng kíp và 2 nữ hộ sinh tên là Thuỷ và Tuyết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả bác sĩ trực và 2 hộ lý này đều có từ 10 năm đến 30 năm kinh nghiệm và ngày hôm đó cũng không có sự căng thẳng về tâm lý nào. Thêm nữa, ngày 16/6 khoa sản có rất ít bệnh nhân.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, bác sĩ Đào Thuý Hằng cho biết: “Khi sản phụ được đưa đến, chúng tôi xác định thai nhi được 26 tuần (6 tháng tuổi). Sau khi đẻ xong, cháu bé đã bị tím tái người, ngừng tim, ngừng thở hoàn toàn và không có phản xạ gì nên tôi đã giải thích với gia đình là cháu có khả năng không nuôi được, quyết định đưa cháu về hay không là tuỳ thuộc phía gia đình.

 

Đây không phải là một ca đặc biệt quá nhưng chúng tôi đã chủ quan! Chúng tôi cứ nghĩ là thai nhi có 6 tháng tuổi thì không nuôi được nên khi cháu ngừng thở, chúng tôi đã không nghe tim. Nếu biết cháu còn tim, chúng tôi cấp cứu thì sẽ không dẫn đến chuyện như thế này...”.

 

BS Phạm Văn Khương, Trưởng khoa sản cũng thừa nhận: “Các bác sĩ, hộ lý đã làm sai quy trình! Chúng tôi đã xác định trách nhiệm chính là bác sĩ trực”.

 

Theo bác sĩ Khương, các sản phụ đẻ non ở khoa sản này rất nhiều. Triệu chứng của sản phụ Chi cũng bình thường như các thai phụ khác, không có gì đặc biệt.

 

Bác sĩ Khương đưa cho rằng, một nguyên tắc căn bản trong ngành y là phải ngừng tim, ngừng thở mới xác định là chết. Trong khi đó, bác sĩ Hằng đã không nghe tim nên dẫn đến sự việc như vậy. “Hiện tượng ngừng tim có thể là ngừng tạm thời nhưng sau khi cấp cứu nó lại hồi trở lại...” - bác sĩ Khương nói.  

 

Lời kết

 

Chúng tôi về thôn Đồng Bưng, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cả gia đình, họ hàng chị Nguyễn Thị Chi vắng ngắt tiếng cười trong một tuần qua, khi đứa cháu họ mong chờ chỉ sống được 6 ngày.

 

Ông Phan Văn Khá, bố chồng sản phụ Chi thừa nhận với chúng tôi, bây giờ cháu đã mất rồi, không nên khơi lại làm gì. Tuy nhiên, sai sót của bác sĩ, của bệnh viện Hà Nam và trách nhiệm của họ phải được làm rõ. 

 

Ông Phan Văn Khá kể lại: Khi cháu bé được sinh ra, bác sĩ bảo cháu không sống được, gia đình mua áo, mũ mặc cho cháu rồi đưa cháu về. Khi ôm cháu đi xe máy từ bệnh viện về nhà, bà nội cháu thấy cháu cựa quậy! Bà ấy sợ nên lúc về nhà đã nói với mọi người.

 

Lúc đầu không ai tin vì bác sĩ đã kết luận cháu đã mất. Nhưng khi về đến nhà, mọi người mở bọc ni lông ra thì thấy cháu vẫn sống, 2 mắt mở to nhìn mọi người. Mọi người lại mang cháu lên bệnh viện... Từ lúc sinh ra đến lúc đưa cháu về nhà và phát hiện ra khoảng 3 tiếng. Từ lúc cháu sinh ra đến lúc mất được khoảng 6 ngày.

 

Anh Phan Văn Trung, chồng chị Chi thì cho biết: Gia đình tôi đã làm việc với Ban giám đốc bệnh viện và nói rằng bác sĩ Hằng nên đến tận nhà nói chuyện với chúng tôi. Tuy nhiên, bác sĩ Hằng đã không trực tiếp đến mà nhờ một người tự xưng là anh trai bác sĩ và 1 người công an nữa đến. Họ nói rằng: “Thôi, sự việc ấy nên bỏ qua, gia đình bác sĩ Hằng sẽ đưa cho gia đình 3 triệu!”. Gia đình tôi chỉ muốn bác sĩ lên thắp hương cho cháu. Nhưng đến hôm nay vẫn không thấy bác sĩ Hằng lên.

 

Theo Thế Lê Vinh

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm