(Dân trí) - Những người có suy nghĩ tích cực nhất cũng cho rằng, TPHCM chưa thể áp dụng các biện pháp nới lỏng hơn. Trong hoàn cảnh thực tại, được ở nhà làm việc và hít thở bình thường đã là một may mắn.
Sài Gòn tĩnh lặng thêm một tuần vì "con virus quái ác"
(Dân trí) - Sau 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, bức tranh dịch tễ của TPHCM chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Những người có suy nghĩ tích cực nhất cũng cho rằng, thành phố chưa thể nới lỏng các biện pháp chống dịch. Trong hoàn cảnh thực tại, được ở nhà làm việc và hít thở bình thường đã là một may mắn.
"Phải tiếp tục Chỉ thị 16 thôi, tình hình này chưa ngừng được, 'quán bar' của tôi lại vắng khách thêm thời gian nữa" - ông Đẳng khẳng định trong chiều cuối cùng của quãng thời gian TPHCM cách ly xã hội 15 ngày vừa qua.
"Quán bar" mà ông Đẳng nói tới là một chiếc tivi cũ, xếp trên một góc vỉa hè của Quận 1. Những ngày nhịp sống bình thường, sôi động, đây là nơi những người lao động thường nghỉ chân, uống ly cà phê đá, thưởng thức vài bài nhạc cũ trước khi "vào ca" hoặc thảnh thơi lúc chiều muộn cùng xem một trận bóng kèm những ly trà tắc mát lạnh.
Những khoảng thời gian kết thúc giãn cách trước đó, cư dân thành phố có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc chính quyền sẽ tăng hoặc giảm biện pháp phòng, chống dịch. Trong bối cảnh hiện tại, những người có suy nghĩ tích cực nhất cũng cho rằng, TPHCM chưa thể nới lỏng hơn Chỉ thị 16 đã áp dụng 15 ngày.
Trong hoàn cảnh thực tại, được ở nhà làm việc và hít thở bình thường đã là một may mắn.
"Khóc thét vì con virus quái ác này"
"Ủa! Nhà đó hôm qua tôi đi ngang qua vẫn thấy mở cửa, nay đã thấy dựng rào rồi", ông Đẳng ngơ ngác, mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
Người đàn ông tuổi ngoài 50, sinh sống gần khu Mả Lạng, Quận 1 đã quá quen thuộc với cảnh những con hẻm, khu nhà nơi mình sống bị phong tỏa.
Nhưng lần này, ông có đôi chút bất ngờ vì căn nhà cùng dãy phố vốn nằm ở mặt đường thoáng đãng, gia đình sinh sống tại đó gần như không giao tiếp với bên ngoài từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, mà vẫn "dính" bệnh, phải phong tỏa.
"Thôi, cứ vậy cho chắc, giờ dịch dã chẳng biết đâu mà lần", ông Đẳng thở dài.
Từ ngày bùng phát đợt dịch mới, ông Đẳng đã chứng kiến hàng loạt cửa hàng lớn gần nơi mình sống, đã bán hoặc cho thuê mặt bằng trong khoảng thời gian chóng vánh.
"Hàng quán khu này toàn cả chục triệu đến trăm triệu tiền thuê nhà một tháng đấy, chưa kể tiền đầu tư, mà cố mấy cũng khó trụ nổi mùa này", ông ngao ngán.
Trong quãng thời gian nhà nhà đóng cửa vì dịch bệnh, chủ quán nước nhỏ tâm sự ông thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều người. Thời gian trước giãn cách xã hội, vốn đầu tư cho "quán bar" của ông chỉ mấy trăm nghìn tiền nhập đồ uống cho vài ngày, còn hiện tại là cho... vài tuần hay cả tháng.
"Tôi ở một mình ngay cư xá phía trên nên tận dụng luôn mặt bằng trống dưới này, không mất đồng nào tiền thuê. Mình còn may mắn hơn nhiều người, dịch dã, thu nhập ít đi thì ăn ít đi, chứ những người đầu tư tiền triệu, tiền tỷ, nay chắc khóc thét vì con virus quái ác này", ông Đẳng nói.
"Sao rồi, nay được mấy cuốc, có quán xá nào mở không", ông Đằng hỏi chuyện khi thấy người đàn ông mặc đồ của nhân viên giao hàng phi xe tới.
Anh Tú (31 tuổi) chỉ lắc đầu cười gượng.
Trước ngày thành phố áp dụng Chỉ thị 15, anh làm nhân viên phục vụ quán ăn trên đường Nguyễn Cảnh Chân (Quận 1). Từ ngày các hàng quán đóng cửa, anh chuyển sang nghề giao đồ ăn công nghệ. Rồi từ ngày có lệnh dừng các hàng quán bán đem về, anh chưa kịp tìm nghề mới để chuyển mà chỉ biết chờ những khách hàng quen nhờ ship đồ đạc.
"Chưa hết giãn cách được, giờ mở cửa dịch lại bùng ra ngay. Khó khăn chung nên giờ mỗi người cùng chịu một chút để dịch đi qua", anh Tú chia sẻ ngắn gọn trước lúc lao đi khi nhận cuộc điện thoại từ khách hàng. Ly cà phê đá vừa mua chưa uống hết một nửa.
Ông Đẳng kể lại, trước lúc hàng quán phải đóng cửa, anh Tú là khách hàng lâu năm của "quán bar" nhỏ. Lâu ngày thành thân, 2 người như anh em trong nhà. Hiện tại, những người anh em ấy thỉnh thoảng vẫn tạt qua chỗ ông mua bán vài chai nước hay bịch đá cây. Khác với cuộc sống một thân một mình của ông, anh Tú phải loay hoay để kiếm tiền lo cho vợ và con nhỏ.
Khi được hỏi ông có sợ dịch bệnh không vì vẫn tiếp xúc với người khác mỗi ngày, ông Đằng hất hàm về phía chai cồn đặt trên bàn: "Tôi đeo khẩu trang và sát khuẩn đầy đủ thì virus nào nó lây được. Biết là dịch, nhưng vẫn cần đồng ra, đồng vào, tôi vẫn ngồi "lỳ" vậy. Nhưng không phải ai tôi cũng bán nhen".
TPHCM xin hỗ trợ nhân lực y tế
"Chúng tôi chưa ngưng nghỉ giây phút nào", bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc bệnh viện dã chiến số 6 (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức) chia sẻ trong những ngày làm việc tại đây.
Từ ngày tòa nhà tái định cư chuyển công năng thành bệnh viện dã chiến, các kíp nhân viên y tế ở đây vẫn chia nhau thành từng kíp trực chiến cả ngày đêm. Nhóm khám sàng lọc các "F" từ đơn vị khác chuyển đến, nhóm khác vận chuyển cơm, nước uống, nhu yếu phẩm, nhóm ghi nhận số liệu, cung cấp thông tin phản hồi của bệnh nhân gửi về qua nhóm chat chung.
Trước tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19, số bệnh nhân mắc mới lên đến hàng nghìn người mỗi ngày, nhiều tòa chung cư vốn vắng bóng người đã sáng đèn, trở thành nơi điều trị, thu dung F0. Khi công suất khai thác của hệ thống y tế thành phố đã được nâng lên khoảng 60.000 giường điều trị, thì nhân lực ngành y đã có những dấu hiệu quá tải.
Trong ngày 17/7, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người được giao điều hành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị thành phố, Sở Y tế khẩn trương điều phối trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Theo thống kê, đơn vị này đang thiếu nhiều trang thiết bị y tế cần thiết dù đã đi vào vận hành.
Khi số ca mắc đang tăng hàng nghìn người mỗi ngày tại TPHCM, trên các trang báo, mạng xã hội, việc quyên góp tiền mua máy thở cho địa phương này được giới nghệ sĩ, người nổi tiếng và nhiều người dân tích cực kêu gọi. Tại thành phố đã có hiện tượng người dân săn lùng các loại máy thở, máy tạo oxy để sử dụng tại nhà.
Tuy vậy, trao đổi với báo giới ngày 19/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, địa phương cơ bản đủ máy thở và thiết bị ECMO cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Năng lực tiếp nhận F0 vẫn nằm trong khả năng của TPHCM.
Với đề xuất của Bệnh viện hồi sức Covid-19 về bổ sung trang, thiết bị, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, đây là động thái chuẩn bị cho tình huống xấu hơn. Thiết bị ECMO hiện nay được TPHCM đầu tư mua mới, cùng với việc được tài trợ nên… tương đối đủ.
Trước ngày kết thúc 2 tuần đầu tiên cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chính quyền TPHCM đã đề xuất Thủ tướng cùng Bộ Y tế hỗ trợ thêm nhân lực tham gia phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.
TPHCM cần thêm 927 bác sĩ, hơn 4.100 điều dưỡng, kỹ thuật viên cùng 2.000 nhân viên có chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm. Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất Bộ Y tế điều động 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn cùng tham gia công tác chống dịch.
Vắc xin đến gần với người dân nghèo
Bên cạnh những thay đổi chiến lược của công tác cách ly, điều trị bệnh nhân trong 2 tuần qua, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn TPHCM cũng có những điểm nhấn đáng chú ý. Đợt tiêm chủng mới nhất của TPHCM dự kiến sẽ hoàn tất 930.000 liều vắc xin trong vòng 2-3 tuần tới.
Trong đợt này, khâu tốc độ không còn được địa phương đặt nặng. Thay vào đó, sự an toàn về dịch tễ, mở rộng độ bao phủ của vắc xin được ưu tiên hàng đầu.
Đợt tiêm này, những người nghèo, người hưởng chính sách xã hội, người làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích… được TPHCM đưa vào danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó, những người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền cũng được triển khai tiêm.
Sáng 22/7, đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai đồng loạt tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Dưới cơn mưa nặng hạt, nhiều người dân mọi tầng lớp tỏ ra vui mừng khi mình được tiêm chủng trong quãng thời gian căng thẳng nhất của dịch bệnh.
"Mưa gió có là gì đâu, tiêm vắc xin là trên hết, nghe được tiêm mừng lắm. Tôi tiêm vắc xin để cảm thấy yên tâm hơn khi mà mỗi ngày TPHCM ghi nhận thêm nhiều F0", một người dân tại điểm tiêm nhà thi đấu Lãnh Bình Thăng, Quận 11 chia sẻ.
Trong những ngày tiếp theo, mỗi điểm tiêm của quận, huyện, phường, xã toàn TPHCM đã thực hiện tiêm cho khoảng 100 trường hợp là những người cao tuổi, người khuyết tật, những đối tượng chính sách. Theo danh sách của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, khoảng 289.000 người là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 thời gian tới.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, những người lao động nghèo, tạm trú trên địa bàn thành phố sẽ được đưa vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ông Nguyễn Văn Nên phân tích, những người này sinh sống trong những khu nhà trọ đông đúc, khó đảm bảo khoảng cách, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong ngày chính quyền thành phố công bố việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dù thực hiện Chỉ thị này với những biện pháp tăng cường, giải pháp lâu dài và cơ bản của TPHCM trước dịch Covid-19 vẫn là vắc xin. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố đẩy nhanh các công đoạn để sớm tìm ra nguồn vắc xin Covid-19 tiêm cho người dân.
Với vị thể là đầu tàu kinh tế cả nước, TPHCM tiếp tục được Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin Covid-19 số lượng lớn thời gian tới. Dự kiến đến cuối tháng 9, tổng cộng 5 triệu liều vắc xin sẽ cập bến TPHCM, đủ số lượng tiêm cho khoảng 50% dân số.
Ngoài số vắc xin được Trung ương phân bổ, TPHCM cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác bằng nguồn tài chính tự chủ. Lãnh đạo thành phố thông tin hàng triệu liều vắc xin đã được ký kết hợp đồng để về trong năm nay.
"Tôi mới được phường gọi đi đăng ký tiêm vắc xin. Cứ nghĩ mình còn lâu mới tới lượt", ông Đẳng tỏ rõ vẻ vui mừng khoe. Trước đó, người đàn ông bám trụ vỉa hè Sài Gòn mấy chục năm vẫn nghĩ, vắc xin Covid-19 là điều gì đó xa xỉ, có tiền mua cũng chẳng được.