1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sách vỉa hè “vớ bở” nhờ in lậu

(Dân trí) - Sách gì cũng có, giá rất mềm, chỉ cần tạt xe vào lề đường là có. Với những lợi thế đó, bất chấp những lỗi chính tả, lỗi in ấn, sách vỉa hè vẫn “lên ngôi”, giúp tiêu thụ hàng ngàn cuốn sách lậu mỗi ngày.

Sách vỉa hè, cuốn gì cũng có
 
Tại TPHCM, dọc các tuyến đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Trương Định (quận 3), Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức)… rất nhiều chiếu sách vỉa hè luôn giảm giá từ 20-40%. Đây là địa chỉ lý tưởng cho người mê sách mà muốn tiết kiệm hầu bao.

 

Sách vỉa hè có cách làm nhanh nhạy và chạy đua không kém các nhà sách lớn. Những cuốn sách đang “làm mưa làm gió” trên thị trường như  Trăng non, Cánh đồng bất tận, Harry Potter, Chiếc xe Lexus và cây ô liu... được bày bán với giá rất “mềm”. Chính vì thế, đa số độc giả thay vì đến nhà sách, chỉ cần tấp vào lề đường là có ngay quyển sách “mới cáu” với giá rẻ không ngờ.

 

“Mua 1 cuốn sách trong hiệu sách phải mất cả trăm ngàn nhưng ở vỉa hè chỉ có mấy chục ngàn đồng, lại tiện. Vậy nên những điểm bán sách vỉa hè là địa chỉ “ruột” của tụi em”, Thanh Trang, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn giải thích.
 
Sách vỉa hè “vớ bở” nhờ in lậu - 1
Tại những quầy sách vỉa hè như thế này, bạn đọc có thể tìm mua bất cứ cuốn gì với giả cả cực mềm. (Ảnh: Hoài Lương)

 

Rất nhiều khách hàng phàn nàn vì mua phải cuốn in lem nhem, sai chính tả, lỗi chữ in nhiều, bìa đóng cẩu thả. Tuy nhiên cũng có nhiều sách giả không khác gì sách thật và chỉ có dân trong nghề mới có thể phân biệt được “trắng đen”.

 

Một người bán sách tại vỉa hè Trương Định thừa nhận anh bán được cả trăm cuốn mỗi ngày. Hàng của anh thường là sách từ các nhà xuất bản “tuồn” ra ngoài nên giá luôn mềm hơn giá trong hiệu sách mà chất lượng cũng không thua kém. Các loại sách chất lượng kém thường là sản phẩm của các “lò” in lậu.

 

Loay hoay tìm cách chống bệnh in lậu

 

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010 hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: “Bao nhiêu năm nay, trong bất kể hội nghị, giao ban nào về hoạt động xuất bản, nạn in lậu luôn là vấn đề nóng được bàn cãi. Để vấn đề này không trở thành một con bệnh lờn thuốc khó chữa, tôi yêu cầu các bên có liên quan cần phải xử lý rốt ráo hơn nữa”.

 
Một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện cho nạn in lậu, in nối bản (in quá số lượng để tuồn ra ngoài) gia tăng, theo ông Doãn, là do tình trạng giá sách và mức chiết khấu cho các đại lý sách bị đẩy lên cao, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản. Bên cạnh đó, hành vi in lậu ngày càng tinh vi khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

 

Sách vỉa hè “vớ bở” nhờ in lậu - 2
 
Một vụ sách lậu cực lớn vừa được CA TPHCM khám phá tại Công ty in Hoa Mai. (Ảnh: Trung Kiên)

 

Nói về sách in lậu, đại diện NXB Trẻ cho rằng, việc in sách lậu và in nối bản rất khó quản lý nhưng không hẳn phải “bó tay” vì muốn in lậu với “chất lượng như thật” cũng phải có cơ sở in ấn hiện đại nên không khó phát hiện lắm nếu có sự phối hợp quản lý tốt.

 

Một số nhà sách đã chủ động đưa ra biện pháp để tránh tình trạng sách lậu như dán tem dạ quang để chống giả, nâng cao chất lượng nội dung lẫn in ấn như in 2 màu, thậm chí 4 màu, in số lượng lớn… Tuy nhiên những việc làm đó cũng chỉ  có tính chất tạm thời vì hiện tem chống giả cũng dễ dàng bị… làm giả.

 

Về điều này, ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản - cho rằng, phải công khai hóa việc in ấn sách giáo dục (nhà in nào được in sách giáo khoa, sách tham khảo, số  lượng và thời gian in...) đến các ngành liên quan như công an, quản lý thị trường, văn hóa - thông tin... để phối hợp giải quyết. Mọi sai phạm đều phải được xử phạt mạnh tay, theo ông, vận dụng khung hình phạt cho đối tượng in sách lậu, tịch thu cả máy in (nếu phát hiện in lậu), rút giấy phép...
 

Hoài Lương