"Rút giấy phép, truy tố công ty ma làm khổ người đi xuất khẩu lao động"
(Dân trí) - "Phải quản lý chặt công ty ma đưa người đi lao động ở nước ngoài nhưng không có trách nhiệm, làm khổ đồng bào mình dứt khoát phải xử lý", Thủ tướng yêu cầu rút giấy phép, truy tố những đơn vị này.
Tinh thần quyết liệt trong chấn chỉnh, quản lý tình trạng đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài là một trong những vấn đề được quan tâm tại Romania.
Nhân chuyến thăm chính thức nước này, tối 20/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại Romania về nhiều vấn đề, trong đó có việc đưa người Việt đi lao động ở nước ngoài.
Thực tế buồn "người lao động bỏ sang nước thứ ba"
Ông Nguyễn Văn Tới, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Romania ghi nhận Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển kinh tế.
Ông cho biết nhu cầu về lao động của Romania rất cao, hạn ngạch lao động của Romania cấp cho người nước ngoài năm 2024 là 140.000 người, đó là cơ hội rất lớn cho việc xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Romania.
"Khi có nhiều người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, lượng kiều hối gửi về rất nhiều, đó là hình thức phát triển kinh tế xanh, sạch", ông Tới nói.
Ông cũng thông tin gần đây, người lao động sang Romania rất nhiều. Năm 2022, có 2.139 giấy phép được cấp cho lao động Việt Nam sang Romania, đó là điều đáng mừng.
Song cũng có thực tế buồn khi nhiều lao động Việt Nam phá hợp đồng, bỏ đi sang nước thứ ba, gây khó khăn cho doanh nghiệp tuyển chọn cũng như làm xấu hình ảnh người Việt Nam tại Romania.
"Mong các bộ ngành cũng như doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm biện pháp thực tế, ràng buộc người lao động thực hiện hợp đồng nhằm lấy lại niềm tin của doanh nghiệp Romania và giữ hình ảnh đẹp của người Việt tại Romania", ông Tới kiến nghị.
Nghe phản ánh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay lập tức mời Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ với bà con, sau đó về bàn bạc ngay việc kiểm soát việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, không để xảy ra tiêu cực hay "một con sâu làm rầu nồi canh".
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trước hết khẳng định việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, hay còn gọi là xuất khẩu lao động, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, có nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Gần đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng với rất nhiều điểm mới, thay đổi so với trước đây.
Ví dụ, Luật quy định chặt chẽ hơn đối với những doanh nghiệp, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; yêu cầu về ký quỹ trách nhiệm rất đầy đủ và đặc biệt, không được thu tiền môi giới.
Theo thống kê Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, hiện có khoảng 700.000 người Việt Nam đang làm việc tại 40 nước, vùng lãnh thổ khác nhau. Riêng năm 2023, Việt Nam đưa 155.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài với một số thị trường lớn là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, một số nước Trung Đông và châu Âu, chủ yếu là Romania, Hungary, Séc và Ba Lan.
Dành tiền Nhà nước, Chính phủ cấp để đào tạo người lao động học tiếng
Đối với Romania, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định đây là thị trường tiềm năng, nhu cầu tương đối lớn. "Vừa rồi một số doanh nghiệp đã làm ở Romania và có lúc đưa 10.000 lao động sang Romania.
Ông cũng cho rằng thực tế, việc chấp hành kỷ luật lao động tại Romania chưa tốt, một số bỏ sang nước thứ ba gây khó khăn cho việc tiếp nhận lao động tại đây.
Về phía quản lý Nhà nước, các cơ quan đã chấn chỉnh việc này. Thứ trưởng Thanh cho biết các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, phải đào tạo người lao động trước khi đi, phối hợp với bên tiếp nhận lao động tại Romania quản lý, chăm lo người lao động, quản lý cho tốt để tránh người lao động bỏ trốn.
"Việc lao động bỏ trốn cũng có nhiều lý do, ví dụ mong lương cao hơn, muốn tự do hơn, muốn làm thêm chỗ này chỗ kia… Tuy việc đào tạo hiện nay đã tốt hơn, nhưng người lao động thường muốn đi nhanh, lương cao, không phải học gì", Thứ trưởng Thanh nêu thực tế.
Ông cho biết tới đây, Bộ sẽ yêu cầu việc đào tạo lao động trước khi đưa đi nước ngoài phải dài hơn và phải đào tạo cả tiếng Romania, để người lao động dễ làm việc, tránh xảy ra tranh chấp.
Cũng trong chuyến công tác này, ông cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có dự thảo ký thỏa thuận giữa Việt Nam và Romania trao đổi về công tác lao động xã hội, trong đó tạo hành lang pháp lý tốt hơn, bảo vệ và quản lý tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc tại Romania.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Đại sứ quán phối hợp cơ quan quản lý sở tại và các doanh nghiệp tạo điều kiện tốt hơn để bảo vệ người lao động, đồng thời có cách quản lý, nếu người lao động bỏ trốn hoặc phá vỡ hợp đồng sẽ có giải pháp xử lý.
"Bộ Lao động sẽ thúc đẩy việc đưa lao động sang Romania nói riêng và châu Âu nói chung, nhằm tăng cường đội ngũ người Việt Nam ở Romania. Trước kia ở Nhật Bản mỗi năm 2.000 người Việt Nam sang làm việc nhưng nay mỗi năm 60.000 người, và tôi mong Romania cũng như vậy", ông Thanh chia sẻ.
Nói thêm về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quản lý thật chặt các công ty đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan phải rà soát những công ty ma, công ty làm bẩn, đưa người của mình đi mà không có trách nhiệm, làm đồng bào mình khổ dứt khoát phải xử lý trước pháp luật.
Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh 3 việc cần làm.
Một là kiểm soát việc xuất nhập cảnh, công ty nào làm ăn đứng đắn mới cho làm, làm sai thì rút giấy phép, thậm chí truy tố trước pháp luật.
"Những công ty ma, công ty bẩn đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài nhưng không có trách nhiệm, làm khổ đồng bào mình, dứt khoát phải xử lý", theo lời Thủ tướng
Giải pháp thứ hai, theo Thủ tướng, là đào tạo tiếng và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Ông đề nghị dành tiền Nhà nước, Chính phủ cấp để đào tạo 3-6 tháng học tiếng, khi sang nước ngoài lao động có thể tự sống.
Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý phổ biến về luật pháp cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hoài Thu (Từ Bucharest, Romania)