Ninh Bình:

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn

Thái Bá

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài khiến các hồ chứa nước ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) khô cạn. Hàng trăm ha lúa của người dân chết dần. Ruộng khô khốc, nứt nẻ khiến người nông dân phải “căng mình” chống hạn.

Giữa cái nắng 39 đến 40 độ C, chúng tôi có mặt tại nhiều cánh đồng lúa ở hai xã Thạch Bình và Phú Sơn của huyện Nho Quan. Chứng kiến cảnh những thửa ruộng bạt ngàn lúa non đang dần khô cháy vì hạn hán, nhiều người không khỏi xót xa.

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 1

Những cánh đồng khô hạn, nứt nẻ, lúa chết khô vì nắng nóng kéo dài ở xã Thạch Bình khiến nông dân điêu đứng.

Tình trạng nắng nóng, khô hạn diễn ra gần một tháng nay ở Thạch Bình, Phú Sơn khiến hàng trăm ha lúa hè thu của người dân không có nước tưới, đang trong tình cảnh ruộng khô khốc, nứt nẻ, lúa nhiều nơi đã chết khô, nông dân mất trắng. 

Thống kê của UBND xã Thạch Bình, vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy trên 500ha lúa. Do nắng nóng kéo dài, không có nước tưới nên chính quyền xã đã chỉ đạo người dân trồng nhiều giống cây khác thay thế. Tuy nhiên diện tích không nhiều, người dân vẫn gieo cấy lúa là chính. 

Chị Hương ở thôn Lải, xã Thạch Bình thở dài, gần cả tháng nay trời không đổ mưa, nắng nóng khiến cuộc sống bị đảo lộn. Lo lắng nhất là nhiều diện tích lúa ngoài đồng vì không có nước tưới đã chết, coi như mất trắng.

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 2

Hàng chục ha lúa hè thu của người dân xã Thạch Bình đã bị chết khô vì hạn hán.

“Gia đình tôi gieo cấy hơn 1 mẫu lúa, hiện 7 xào ruộng khô khốc, lúa chết hết, giờ có nước cũng khó có thể cứu vãn được. Những diện tích còn lại cũng đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nếu trời không đổ mưa”, chị Hương nói. 

Tại xã Phú Sơn có hơn 200ha lúa của người dân cũng đang trong tình cảnh “khát nước”. Nguồn nước chủ yếu phục vụ tưới của xã được dẫn từ hồ Thác La trên thượng nguồn sông Lạng, xã Thạch Bình dẫn về từ con mương liên xã. 

Có mặt tại khu vực hồ Thác La, chúng tôi chứng kiến cảnh hơn 10 máy bơm dã chiến của HTX nông nghiệp và đơn vị thủy lợi trên địa bàn đang hoạt động hết công suất ngày đêm để nỗ lực cứu hơn 700ha lúa mùa của 2 xã Phú Sơn và Thạch Bình.

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 3
Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 4

Nước hồ Thác La đã xuống mực nước chết từ nhiều ngày qua.

Ông Đào Văn Thuận, Giám đốc HTX Thạch Bình được biết, trên địa bàn xã hiện có 7 hồ, đập thủy lợi thì có tới 3 hồ đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa dẫn đến việc lấy nước tưới hầu như không thể thực hiện được. 

“Thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua đã làm cho khoảng 200ha lúa của xã bị khô hạn nghiêm trọng, trong đó có 30ha lúa đã bị chết hoàn toàn. Xã đang phối hợp với lực lượng thủy nông huy động toàn bộ nhân lực, vật lực để chống hạn”, ông Thuận nói. 

Cũng theo Giám đốc HTX Thạch Bình, mực nước tại hồ Thác La đã xuống mực nước chết hơn một tuần nay. Tuy nhiên, các máy bơm dầu dã chiến vẫn phải hoạt động kiến nguồn nước dần cạn kiệt, cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày đó cho những diện tích lúa còn lại.

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 5
Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 6

Hơn chục máy bơm dã chiến hoạt động hết công suất ngày đêm để cứu lúa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho hay, những ngày qua lãnh đạo huyện liên tục kiểm tra việc chống hạn tại xã Thạch Bình và Phú Sơn. Các máy bơm dã chiến phải hoạt động ngày đêm để cứu lúa là vô cùng cấp bách. 

“Nếu trời không mưa, nước thượng nguồn sông Lạng cạn kiệt thì mọi nỗ lực coi như mất trắng”, ông Hưng chia sẻ. 

Được biết, từ nhiều năm qua chính quyền xã Thạch Bình cũng như huyện Nho Quan đã đề xuất và mong mỏi được tỉnh Ninh Bình có dự án nạo vét khu vực hồ Thác La cũng như đầu tư trạm bơm tại đây để chủ động trong việc tưới mỗi khi hạn hán xảy ra. Tuy nhiên, đến nay mong mỏi này vẫn chưa được đáp ứng.

Ruộng nứt nẻ, lúa khô cháy, nông dân căng mình chống hạn - 7

Trời không mưa trong những ngày tới, mọi nỗ lực của chính quyền và người dân đều coi như mất trắng.

“Việc chống hạn theo phương pháp thủ công là các máy bơm nước dã chiến khiến người dân mất nhiều công sức, hiệu quả không cao. Vì thế, hàng trăm ha lúa của người dân có nguy cơ mất trắng là rất cao”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho hay.