Gia Lai:
Rùng rợn tục kiêng tắm để “phơi bày” đau khổ
(Dân trí) - Sau khi người bạn đời của mình mất, để bày tỏ sự đau khổ với mọi người, theo phong tục của người J’rai, người còn sống phải hành hạ bản thân bằng cách kiêng tắm rửa trong vòng 1 tháng - 3 năm, phải rạch vào da cho chảy máu, quần áo để như lông con gà…
Biến nỗi đau tinh thần ra ngoài cơ thể
Khi mất đi một người thân yêu trong cuộc đời, mỗi người, mỗi dân tộc đều có cách thể hiện nỗi đau khác nhau. Nhưng có lẽ ít dân tộc nào lại có cách thể hiện sự mất mát này “ấn tượng” và “cao tay” như những người J’rai ở Gia Lai, nếu không may người bạn đời đầu ấp, tay gối đi về thế giới bên kia. Mặc cho người này đang phải chịu nỗi đau lớn về tinh thần khi mất đi người bạn đời, mà theo luật tục người này phải phơi bày nỗi đau ra bên ngoài cơ thể mình để “mắt thường cũng có thể nhìn thấy được”. Và đây cũng chính là “kế” để ngăn người vợ, hoặc chồng của người quá cố không được đi bước nữa khi chưa mãn tang.
Nếu người Bahnar ở Kông Chro, Gia Lai thể hiện sự thương tiếc khi một người thân vừa mất bằng cách đập đầu vào tường cho đến khi chảy máu mới thôi, thì người J’rai ở làng Chuét (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) lại có “chiêu” bày tỏ nỗi niềm này cũng không kém phần ghê rợn đó là tục “hoăm nơi” (kiêng tắm).
Già làng Rah Lan Tút (67 tuổi, làng Chuét) cho biết, người J’rai sống luôn trọn tình, trọn nghĩa với người đã chết. Người sống không chỉ chăm sóc lo từng bữa cơm, nước uống cho người đã khuất cả năm trời (cho đến khi làm lễ bỏ mả), bởi theo quan niệm của người J’rai khi chưa làm lễ bỏ mả thì phần hồn của “con ma” vẫn còn “sống” trên dương gian. Mà đặc biệt, họ còn “sáng tác” ra một “án tục” để áp dụng cho chồng hoặc vợ của người quá cố phải thực thi.
Sau khi làm ma chay cho người bạn đời đã khuất, trong suốt thời gian chờ đến ngày bỏ mả (1- 3 năm, tùy theo điều kiện của từng gia đình) người còn lại sẽ không được tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu, quần áo để như lông con gà mái ấp. Và đỉnh điểm của sự kinh dị là người vợ hoặc chồng còn sống phải tự lấy cật nứa cứa vào cơ thể mình cho chảy máu, có như thế thì mới được xem là cùng chịu sự đau đớn với người đã khuất.
Không chỉ phải biến mình thành một người đại xấu xí, hôi hám, mà người đang trong thời gian kiêng tắm này phải sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không được nói chuyện nhiều với người khác. Đặc biệt là không được nhìn ngắm, đi chung, ghé thăm nhà hay nói chuyện với bất kì một người đàn ông nào trong làng. “Vợ chồng đang chung sống cùng nhau, nay người vợ hoặc người chồng chết đi thì ai mà không buồn, không nhớ, không thương. Có người còn không thiết gì nữa, kể cả ăn uống. Và nếu người chồng hoặc vợ của người đã chết mà không làm theo tục lệ thì sẽ bị khép vào tội không chịu tang chồng hoặc vợ, nên sẽ bị dân làng chê cười, xử phạt rất nặng”, bà Rơ Chăm Luênh nói.
Lễ giải phóng gột rửa nỗi đau
Tuy có phần khắt khe, nhưng những người J’rai ở làng Chuét vẫn để cho người phải chịu tục kiêng tắm có cơ hội được gột rửa lớp bụi bẩn trên người mình. Nếu người đàn ông nào đang kiêng tắm may mắn được người chị hoặc em gái vợ mình thương tình, thì họ sẽ tắm gội cho người đàn ông này. Còn nếu là phụ nữ thì phải là em hoặc anh trai của người chồng đã mất sẽ tắm rửa sạch sẽ cho, với điều kiện người phụ nữ đang kiêng tắm này được một trong những người kia mang lòng thương. Và đặc biệt, người đang kiêng tắm này sẽ may mắn được kết thúc “án” kiêng tắm sớm khi tục nối dây diễn ra, tức người chồng còn sống sẽ được lấy em hoặc chị gái người vợ quá cố của mình để tài sản được bảo toàn (và ngược lại). Nhưng với điều kiện, người đang trong thời gian kiêng tắm phải là người có đạo đức.
Người đang kiêng tắm trong suốt thời gian “thi hành” luôn bị mọi người trong gia đình, họ hàng và xóm làng “quan tâm”, để ý xem người này có vi phạm gì không, và nếu vi phạm sẽ bị dân làng phạt heo, trâu, rượu ghè để cúng Yàng (trời). Nhưng đáng sợ nhất vẫn là việc bị mọi người phát hiện khi người kiêng tắm nói chuyện, hoặc có cử chỉ thân mật với người khác giới trong làng.
Vẫn còn chưa hết rùng mình khi kể lại câu chuyện của bà H’Blách cách đây chừng thập kỉ, già Tút chầm chậm nói, sau khi chồng bà H’Blách chết chưa đến lễ bỏ mả mà người làng đã phát hiện bà này đi chung và nói chuyện thân mật với ông Blai. Ngay lập tức, anh em dòng họ phía bên người chồng đã mất của bà H’Blách đã kêu lũ làng kéo đến đánh cho bà H’Blách đến khi gần chết mới dừng lại, rồi mang bêu trước dân làng để hạ nhục danh dự của bà này. Sau khi nhận trận đòn thừa sống thiếu chết, bà H’Blách bị họ hàng phạt vạ một con heo to để cúng Yàng tạ lỗi, và sau đó là bữa nhậu túy lúy của dòng họ.
Và thời gian tự hành hạ bản thân này chỉ kết thúc khi lễ bỏ mả được diễn ra, người vợ hoặc chồng của người quá cố đã chuẩn bị được các đồ vật như heo, trâu, rượu ghè đủ để cả làng ăn nhậu thì mới tiến hành lễ bỏ mả. Cắt đứt mọi ràng buộc với người đã khuất, người chết sẽ được đi về một thế giới tốt hơn so với cuộc sống dương gian, từ nay ma đi đường ma, người đi đường người. Sau đó, dân làng sẽ vẩy nước hoặc dẫn người vợ hoặc chồng còn sống ra bờ suối để tiến hành lễ giải phóng. Dòng nước mát lạnh, trong vắt từ đây sẽ gột rửa mọi quá khứ đau khổ, buồn nhớ để bắt đầu một cuộc sống tự do. Người phụ nữ có thể tự bắt cho mình một người chồng ưng ý, người chồng được nối dây thuận lợi mà không có điều kiện gì và được tham gia các cuộc vui của bản làng.
Thiên Thư