Quảng Ninh:
Rừng phòng hộ tan hoang, dân nói không được thông báo nên vô tư chặt phá
(Dân trí) - Hàng trăm ha rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã bị phá tan hoang. Điều đáng nói mặc dù diện tích rừng trên đã được qui hoạch từ rừng sản xuất thành rừng phòng hộ hơn 10 năm qua nhưng đến nay, các hộ dân được giao rừng vẫn không hề hay biết nên vô tư chặt phá, đốt trụi…
Theo ông Vũ Trí Trường (SN 1966, ở bản Vua Bà, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang), từ năm 1991, gia đình ông được giao khoán tổng cộng hơn 30 ha rừng, trong đó có khoảng hơn 7ha thuộc địa bàn thôn Tân Tiến, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và đến nay đã thu hoặc được vài chu kỳ.
Cũng theo ông Trường, thời điểm năm 1991, việc giao rừng do gần như dân bị “ép” phải nhận vì lúc này đường đi không có, rừng thì bị người dân sống du canh du cư đốt, chặt phá để trồng lúa, trồng ngô nên đất trở nên cằn cỗi, muốn trồng cây, chăm sóc… phải mất rất nhiều tiền bạc, công sức. Gia đình ông Trường sau khi nhận rừng đã vay đầu tư vốn, tổ chức canh tác, trồng keo, bạch đàn và quản lý bình thường.
“Chúng tôi đã phải chi phí đầu tư trồng 1 ha rừng (trong thời gian 3 năm) với số tiền lên tới khoảng 30 triệu đồng. Nếu giống đẹp, cây sinh trưởng phát triển tốt thì thu hoạch có lãi, còn giống xấu thì lỗ to. Chưa kể tiền thuê nhân công cùng các chi phí khác” - ông Trường nói.
Ông Trường cho biết thêm, từ khi nhận rừng gia đình ông vẫn tổ chức canh tác, quản lý bình thường, hoàn toàn không biết việc diện tích rừng ông được giao (cắt từ Bắc Giang sang Quảng Ninh quản lý ) đã trở thành rừng phòng hộ theo qui hoạch của tỉnh này. Chỉ đến cuối năm 2017, khi ông làm đơn gửi công ty Lâm nghiệp Đông Triều xin chặt hạ loại cây bạch đàn giống cũ không hiệu quả để thay giống mới và công ty này bị ách lại thì mới biết đây đã là rừng phòng hộ.
Ông Trường khẳng định, việc qui hoạch thành rừng phòng hộ là chủ trương của tỉnh ông không phản đối. Tuy nhiên đình chỉ việc chặt phá, trồng giống mới sẽ gây thiệt hại cho gia đình ông vì vốn liếng đổ vào rừng chủ yếu vay ngân hàng. “Nếu đây là diện tích rừng buộc phải giao lại cho tỉnh thì chúng tôi sẵn sàng chấp hành. Tuy nhiên phải bồi trường cho gia đình tôi theo đúng qui định”, ông Trường nói.
Tương tự, ông Lê Văn Bích (SN 1964, cùng trú tại bản Vua Bà) cũng có khoảng 8 ha rừng thuộc thôn Tân Tiến, xã An Sinh được giao vào cùng năm 1991. Gia đình ông Bích cũng đầu tư trồng giống cây bạch đàn cũ nên chỉ thu hoạch được một đợt đầu, sau đó thì giống cây xấu nên cứ phá đi trồng lại suốt nên bị lỗ chứ không có lãi.
“Tôi hoàn toàn không biết diện tích rừng của gia đình tôi thuộc địa bàn thôn Tân Tiến, xã An Sinh, thị xã Đông Triều đã được qui hoạch thành rừng phòng hộ. Do đó đã tổ chức chặt phá cây giống cũ, trồng cây giống mới từ 3 tháng trước. Hiện đã trồng được khoảng 5.000 cây giống mới”, ông Bích nói.
Dư luận cho rằng việc rừng sản xuất đã được qui hoạch thành rừng phòng hộ hơn 10 năm qua nhưng người dân được giao rừng theo lịch sử vẫn không hề hay biết và vô tư chặt phá thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Chính quyền địa phương đã ở đâu trước vấn nạn này khi nó diễn ra trước mắt trong suốt nhiều năm qua?
An Nhiên