1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh:

Rừng phòng hộ tan hoang, “chủ rừng” lúng túng hướng xử lý

(Dân trí) - Mặc dù thừa nhận việc để xảy ra tình trạng gần trăm ha rừng phòng hộ bị chặt phá, bị đốt… không thương tiếc là sai phạm nhưng đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều cho đến nay vẫn loay hoay chưa có hướng quản lý cũng như ngăn chặn, khắc phục hậu quả trên.

Chủ rừng thừa nhận sai phạm khi để xảy ra tình trạng rừng phòng hộ bị chặt phá không thương tiếc
Chủ rừng thừa nhận sai phạm khi để xảy ra tình trạng rừng phòng hộ bị chặt phá không thương tiếc

Trong cuộc làm việc với phóng viên Dân trí gần đây vào ngày 28/6, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều (Quảng Ninh) thừa nhận việc để các hộ sản xuất đốn cây cũ, thay cây mới trên diện tích lớn thuộc rừng phòng hộ là sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên ông Kiên cũng cho rằng, đơn vị mặc dù có nắm được thực trạng trên nhưng công tác quản lý cũng như hướng xử lý lại gặp khó khăn do có nhiều vướng mắc trong khi đơn vị lại không đủ thẩm quyền giải quyết.

Theo ông Kiên, năm 2107 ông mới về nhận công tác tại công ty, trước đó năm 1992, công ty Lâm nghiệp Đông Triều được giao quản lý toàn bộ diện tích rừng (lúc này là rừng sản xuất) khu vực thuộc thôn Tân Tiến, xã An Sinh, thị xã Đông Triều (giáp với Bắc Giang) để trồng keo, bạch đàn phục vụ khai thác mỏ. Năm 2005, công ty tiến hành giao 60 ha rừng tại đây cho 10 hộ dân tổ chức trồng cây. Thời hạn giao theo 2 chu kỳ (15 năm/1 chu kỳ) từ 2005 đến 2020. Người dân sau đó đã tổ chức trồng cây bạch đàn, thông phủ kín diện tích được giao.

Cũng theo ông Kiên, năm 2007, toàn bộ diện tích rừng trên được qui hoạch thành rừng phòng hộ và đương nhiên theo qui định thì rừng phòng hộ sẽ được quản lý nghiêm ngặt. Thế nhưng theo ông Kiên, từ 10 năm qua, việc quản lý diện tích rừng sản xuất trở thành rừng phòng hộ này trở nên rắc rối khi theo hợp đồng ký với các hộ sản xuất là giao rừng theo 15 năm/1 chu kỳ thì đến thời điểm này vẫn còn từ 2 đến 3 năm nữa mới hết hạn. Trong khi người dân đã đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc từ khi còn là những cây con thì đương nhiên họ phải khai thác, không dễ gì mà thu hồi được.

36307390_1711486268971136_3393984565772025856_n

“Qui hoạch thì cứ qui hoạch nhưng cho đến giờ chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ hướng dẫn cụ thể nào của tỉnh về hướng quản lý, hình thức khai thác tại đây ra sao. Công ty cũng đã có văn bản gửi tỉnh, Sở NNPTNT nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm nên chúng tôi rất lúng túng trong các giải quyết”, ông Kiên nói.

Ông Kiên cho biết thêm, do chưa hết hạn hợp đồng, mặt khác do giống cây cũ quá xấu buộc người dân trồng đi, trồng lại nhưng không năng suất nên đã chặt hạ để trồng giống cây mới phát triển tốt hơn, nhanh thu hồi vốn hơn. Người dân cũng có đơn gửi xã, gửi công ty xin được chuyển đổi sang loại giống cây mới trước khi chặt hạ.

Được biết, bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có khoảng 62 ha rừng phòng hộ đã giao cho 10 hộ ở thôn Tân Tiến, xã An Sinh bị chặt phá.

Rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt không thương tiếc
Rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt không thương tiếc

Theo công ty Lâm nghiệp Đông Triều, trước mắt công ty đình chỉ toàn bộ việc chuyển đổi cây trồng tại diện tích thuộc rừng phòng hộ của tất cả các hộ sản xuất. Đồng thời chuyển sang khoán bảo vệ trong khi chờ chỉ đạo của tỉnh.

Liên quan đến vụ việc, Tổng cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Chi cục kiểm lâm Quảng Ninh cũng đang làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc phá rừng phòng hộ trên địa bàn. Từ đó sẽ có hình thức kiểm điểm, kỷ luật cụ thể đối với từng cán bộ, đảng viên.

An Nhiên