1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Rừng nhiều nơi "chảy máu" vì lực lượng kiểm lâm mỏng?

(Dân trí) - Ông Đỗ Quang Tùng – quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) cho biết, thống kê 10 năm trở lại đây bình quân mỗi năm có 1 cán bộ kiểm lâm hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hiện nay, nhiều nơi rừng vẫn “chảy máu” vì lực lượng kiểm lâm còn mỏng, cần phải phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Đỗ Quang Tùng trao đổi với báo chí.
Ông Đỗ Quang Tùng trao đổi với báo chí.

Tại cuộc tọa đàm về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW nhân dịp 45 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam 21/5/1973-21/5/2018, ông Đỗ Quang Tùng – quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Tùng cho biết, trong 45 năm qua, lực lượng kiểm lâm luôn xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong thời kỳ mới hiện nay, tại địa phương lực lượng kiểm lâm phải thực hiện thêmcả công tác về phát triển rừng, hỗ trợ cộng đồng cũng như đóng góp sự tăng trưởng của ngành lâm nghiệp.

“Đối với hoạt động của kiểm lâm mặc dù là lực lượng nòng cốt, nhưng những hoạt động tại hiện trường ở các địa phương rất cần có sự tham gia phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành và các cấp có liên quan, nhất là phải có sự ủng hộ của người dân. Vì nếu chỉ mình lực lượng kiểm lâm, với số lượng như hiện này thì hoàn toàn không thể đủ để quản lý trên 14 triệu héc-ta rừng trên toàn quốc” – ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, để có sự liên kết giữa kiểm lâm với các lực lượng, thời gian qua ngành kiểm lâm đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, không những của toàn quốc mà còn có các chương trình bảo vệ và phát triển rừng cho từng các vùng đặc thù, như Tây Nguyên, ĐBSCL, hay vùng ven biển. Đối với các vùng này, lực lượng kiểm lâm đều có các giải pháp, kế hoạch để phối hợp cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng.

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ phá rừng, để mất rừng thời gian gần đây, ông Tùng cho biết: Hiện nay lực lượng kiểm lâm được tổ chức tương đối thống nhất từ các địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các Chi cục Kiểm lâm và tại các cấp huyện đều có các Hạt Kiểm lâm, các xã có rừng đều bố trí lực lượng kiểm lâm địa bàn để tham mưu, hỗ trợ cho chính quyền địa phương chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, có những nơi một kiểm lâm phải phụ trách tới 2-3 xã, mà theo quy định 1 kiểm lâm cũng phải phụ trách đến 500 héc-ta rừng nên không thể nào mà bao quát được hết. Do đó, lực lượng kiểm lâm phải tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương để điều phối, huy động các lực lượng khác cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi đó là nguồn tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, phục hồi rất chậm, trong khi đó nhu cầu về sử dụng lâm sản, đất đai ngày càng nhiều, hoàn toàn đối nghịch với sự phát triển và tăng trưởng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, áp lực vào rừng và tài nguyên rừng ngày càng lớn. Thời gian tới, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, công tác về quản lý, bảo vệ rừng cũng như là công tác phát triển rừng sẽ gặp nhiều khó khăn” – ông Tùng nói.

Bảo vệ, sử dụng bền vừng tài nguyên thiên nhiên trở nên cấp thiết

Phát biểu tại chỉ đạo tại cuộc tọa đàm trên, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết, nhiệm vụ bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên càng trở nên cấp thiết, mang tính xã hội sâu sắc, đòi hỏi ở mức độ cao, nặng nề với nhiều thách thức hơn, đồng thời đây cũng là cơ hội và vinh dự lớn lao mà Nhà nước và nhân dân giao phó cho Kiểm lâm.

Ông Hà Công Tuấn phát biểu.
Ông Hà Công Tuấn phát biểu.

Để đạt được mục tiêu trên, tôi đề nghị các đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm phát huy truyền thống 45 năm qua, tiếp tục phấn đấu rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung mấy vấn đề:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp vào cuộc sống, tiếp tục đổi mới hoạt động phù hợp yêu cầu thực tiễn đổi mới và hài hòa hóa với quy định, thông lệ quốc tế.

Hai là, làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp ngay từ cấp cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạp pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng, buôn bán kinh doanh lâm sản trái pháp luật; ứng dụng khoa học công nghệ quản lý mới và đẩy nhanh phương thức quản trị rủi ro gắn với truy xuất nguồn gốc lâm sản hợp pháp, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vững bước trong hội nhập quốc tế.

Ba là, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội về quản lý, bảo vệ rừng; kiên trì thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa; hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng.

Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, chỉnh đốn lực lượng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho công chức, viên chức, duy trì phong trào thi đua hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức kiểm lâm các cấp tinh gọn, trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Dương