1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Rừng lim cổ thụ trên quê lúa

(Dân trí) - Huyện Yên Thành (Nghệ An) vốn được biết đến là “vựa” lúa của xứ Nghệ, thế nhưng ít ai biết rằng, vùng đất này lại còn có một rừng lim cổ thụ, rộng hàng trăm héc ta được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay...

Khu vực đường vào rừng lim cổ thụ.
Khu vực đường vào rừng lim cổ thụ.

Từ xa đã thấy những thân cây lim lớn.
Từ xa đã thấy những thân cây lim lớn.

Những ngày cuối năm, từ thị trấn Yên Thành trên con đường trải nhựa phẳng lì qua xã Phúc Thành, Văn Thành rồi rẽ vào đường liên xã. Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Nguyễn Duy Tiến, hồ hởi: “Kể cũng lạ phải không các chú? Ở Yên Thành vốn chỉ được biết đến là vựa lúa của Nghệ An ta, thế mà còn có cả một rừng lim cổ thụ bạt ngàn nữa. Anh không ở xã Lăng Thành nhưng vẫn hay sang vùng này chơi từ bé nên biết khá rõ về những cung đường ra vào khu rừng này”. Anh Tiến (51 tuổi) là người xã Hùng Thành (nhà cách xa rừng lim khoảng 15-20km), từ lúc còn bé, anh hay theo đám trai làng sang bên xã Lăng Thành chơi, vì thế đường làng ngõ xóm ở khu vực này anh thuộc như trở bàn tay. Từ phía xa, theo cái chỉ tay của anh Tiến, tôi đã nhìn thấy mênh mông những cánh rừng xanh thẫm bởi màu lá đặc trưng của cây lim cổ thụ.
Tới xóm 8, xã Lăng Thành, khu rừng lim nằm cách nhà của chị Nguyễn Thị Hoàng (54 tuổi) bởi một con đường nhỏ. Chị Hoàng, kể lại: “Rừng lim này đã có từ bao giờ thì chẳng ai hay. Trước đây, ở thời kỳ nước ta còn đang bao cấp, dưới tán rừng lim có bạt ngàn một loại dứa mọc tự nhiên nhưng cho quả có thể bán được. Vì thế, Hợp tác xã cho đấu thầu quyền chăm sóc rừng lim và chỉ được phép thu hoa lợi từ dứa đem bán, tuy giá trị không nhiều lắm nhưng khối người tranh giành nhau thầu khoán”.
Những tán lá xum xuê, xanh mướt.
Những tán lá xum xuê, xanh mướt.

Chị Nguyễn Thị Hoàng (54 tuổi) - Rừng lim xưa nay vẫn không có gì thay đổi...
Chị Nguyễn Thị Hoàng (54 tuổi) - Rừng lim xưa nay vẫn không có gì thay đổi...

Cũng theo chị Hoàng, hiện nay rừng lim này do UBND xã Lăng Thành chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Vì thế, theo định kỳ xã lại tiến hành những đợt đấu thầu (giao khoán) để những ai có nhu cầu nhận khoán chăm sóc rừng. Mấy năm gần đây, gia đình chị Hoàng cũng tham gia nhận hơn 1ha rừng lim để nhận bảo vệ, chăm sóc.

“Ở trên miền núi cao tít tắp biên giới Việt - Lào còn hiếm khi tồn tại được những cây lim cổ thụ như thế này chứ chưa nói đến cả khu rừng lim bạt ngàn như vậy. Là người con Yên Thành nên tôi cảm thấy rất tự hào về điều này. Gia đình nhận thầu khoán chăm sóc một phần cũng vì muốn góp chút gì đó để gìn giữ, bảo vệ những giá trị lớn lao mà ông cha đã để lại” - Anh Thân, trong số hàng trăm người nhận thầu khoán chăm sóc, bảo vệ rừng lim tâm sự với giọng đầy tự hào.
Những thân cây lim có đường kính từ 70-80cm... được xem là báu vật của huyện lúa Yên Thành.
Những thân cây lim có đường kính từ 70-80cm... được xem là báu vật của huyện lúa Yên Thành.
Những thân cây lim có đường kính từ 70-80cm... được xem là "báu vật" của huyện lúa Yên Thành.

Vào khu rừng lim thuộc xóm 1, thấy người lạ đến đỗ xe nhìn ngó rừng lim, trong xóm đã có nhiều người theo dõi và nhìn khách lạ với ánh mắt dò xét. Đang định bước chân vào trong khu rừng để chụp hình và chiêm ngắm rừng cây quý thì có mấy ông đứng tuổi ở gần nhà văn hóa xóm chạy nhanh ra hô lớn: “Các chú vô rừng mần chi đó? Khéo mang lửa vô cháy rừng! Người lạ không được vô đó tùy tiện mô” - Giọng của một cụ ông tuổi đã khoảng trên 80 nói như ra lệnh.

Sau khi xuất trình giấy tờ và trình bày nguyện vọng của mình, cụ ông thay đổi thái độ và trấn an khách: “Các anh thông cảm, chúng tôi sợ người lạ, kẻ xấu vào rừng chẳng may có chuyện gì thì không biết xử lý thế nào”. Cụ giới thiệu tên Lê Mão. Cụ Mão, tuy đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhìn những bước chân lanh lẹ của cụ dẫn chúng tôi vào rừng thì không ai nghĩ năm nay cụ Mão đã 84 tuổi. Giữa tiết trời giá lạnh, nhưng vì đi bộ nên ai cũng nhớt nhát mồ hôi. Lau nhanh mồ hôi trên trán, chỉ tay về phía những gốc lim cổ thụ san sát, cụ Mão nói liến thoắng: “Đã trên 7 chục năm (70 năm) nay rồi đấy, tớ chẳng thấy các “cụ” lim này thay đổi gì cả”.
PV Dân trí cùng một hộ dân trong rừng lim.
PV Dân trí cùng một hộ dân trong rừng lim.
PV Dân trí cùng một hộ dân trong rừng lim.

Cụ Mão sinh ra ở vùng đất Lăng Thành, lớn lên biết đi chăn trâu, mò cua, bắt ốc đến giờ cũng đã cách đây trên 7 thập kỷ. Khi đó rừng lim vẫn vậy, những gốc lim cổ thụ giờ đây cũng chẳng thay đổi là bao. “Giống lim đúng là chậm lớn thật! Từ khi 7 hay 8 tuổi gì đó tôi đã thấy những cây lim to như thế này, giờ đã lên lão rồi mà vẫn thấy như thế. Không hiểu là khu rừng có từ bao giờ, do tổ tiên trồng hay là rừng tự nhiên đến giờ cũng chẳng ai hay” - Cụ Mão gật gù như cố hồi tưởng.

Những cây lim ở đây mật độ khá dày, có thể độ tuổi khác nhau nên kích thước cũng có độ chênh lệch. Những cây lim lớn nhất ở khu rừng này có đường kính khoảng 0,8-0,9m; còn lại là các cây xen kẽ giao động từ đường kính 40,50, 60 đến 70cm.
Lá phổi xanh giữa cánh đồng lúa Yên Thành có một rừng lim cổ thụ...
Những thân cây lim có đường kính từ 70-80cm... được xem là báu vật của huyện lúa Yên Thành.
Lá phổi xanh giữa cánh đồng lúa Yên Thành có một rừng lim cổ thụ...

Cũng theo cụ Mão thì sức sống của khu rừng lim này rất mãnh liệt và bí ẩn không kém độ tuổi của các “cụ” lim vậy. Dù có hạn hán, mua bão, lụt lội thì rừng lim vẫn cứ sừng sững xanh tươi. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù nhiều điểm của huyện Yên Thành bị bom địch đánh phá ác liệt nhưng lạ thay khu rừng lim không hề bị “dính” một trái bom nào, viên đạn nào cả. “Khu rừng khi đó cùng với Rú Gám ở xã Xuân Thành như là những “chiến hào”, là “lô cốt” để bảo vệ chính quyền, bảo vệ người dân quê lúa chúng tôi đó”, cụ Mão nói như đang “kể công” khu rừng lim cổ thụ quê mình.

Chui rúc dưới tán lim với dày đặc cây bụi, cây mây, ông cháu hàn huyên những câu chuyện về các “cụ” lim mãi không chán. Chợt anh Tiến nhắc “Đã 12 giờ trưa rồi đấy chú! Mau mà ra thôi đừng đi sâu vào rừng quá, không là không có sức mà ra nổi mô”.

Nói về rừng lim có một không hai này, ông Thái Khắc Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: “Khu rừng lim quý hiếm mà xã chúng tôi may mắn có được có tổng diện tích là 106ha thuộc các xóm 1, 2, 3, 4 và 8. Trước đây rừng cũng đã được giao cho các hộ dân bảo vệ theo hình thức cộng đồng nhưng khi có chủ trương giao đất, giao rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ thì chúng tôi đã tiến hành giao đất và rừng cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Người dân vẫn có quyền hưởng các hoa lợi dưới tán rừng lim; ngoài ra còn được chặt tỉa cành theo kế hoạch được duyệt hàng năm”. Cũng theo ông Dũng, hiện trong số diện tích 106ha rừng lim nói trên được giao cho hơn 100 hộ dân quản lý, bảo vệ; chính vì thế đã tạo ra mô hình quản lý rừng cộng đồng, tất cả người dân đều rất có ý thức, coi đây giống như tài sản chung nên từ nhiều năm nay đã không còn có bất cứ hiện tượng phá hoại hay chặt trộm lim quý!.
Một cây lim lớn có đường kính khoảng 60-70cm.
Một cây lim lớn có đường kính khoảng 60-70cm.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cũng khoe với chúng tôi về “báu vật” của huyện nhà: “Giá trị của rừng lim cổ thụ ở xã Lăng Thành không thể nói đơn thuần về giá trị kinh tế của gỗ quý được. Điều đặc biệt là một khu rừng quý hiếm như thế mà vẫn giữ gìn, bảo vệ được đến ngày hôm nay thì thật là điều hiếm có. Để tháo gỡ khó khăn cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng lim, từ năm 2012, huyện đã xây dựng đề án “rừng đặc dụng” cho khu rừng nói trên. Hiện mọi việc đang diễn ra thuận lợi và chỉ còn chờ cấp Trung ương đồng ý ký phê duyệt là rừng lim sẽ trở thành khu rừng đặc dụng. Hiện, chỉ tiếc là không có một ai trong xã, trong huyện biết được tuổi của khu rừng này vì ngay cả các bậc cao niên đều nói là lớn lên đã thấy rừng lim như bây giờ; mặt khác cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào về khu rừng này. Khi nào được duyệt thành rừng đặc dụng sẽ có nghiên cứu về tuổi của khu rừng để giải đáp câu hỏi bấy lâu của chính quyền và người dân huyện Yên Thành”.

Theo các bậc cao niên kể lại, rừng lim tại xã Lăng Thành có tuổi đời khoảng 200 năm. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng, khu rừng lim này được trồng khi ông Nguyễn Hữu Đạo, người ở xóm 2, xã Lăng Thành ngày nay đỗ đạt cao tại Hội nguyên Hoàng Giáp khoa Tân Vỵ năm Chính Hòa 12, vua Lê Hy Tông (tức năm 1691). Tức là nếu giả thuyết này đúng thì rừng lim cổ thụ ở Lăng Thành bắt đầu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ thứ 17, tức khoảng trên 300 năm tuổi.

Nguyễn Duy