1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rừng khóc than vì thú chơi “hàng độc”

Sau cây cảnh, đến lượt thú rừng được liệt vào thú chơi mê hồn. Thú rừng càng đẹp, càng hiếm và nằm trong “sách đỏ” thì càng độc và vô giá.

Từ săn bắt thú rừng, tìm kiếm cây cảnh, săn lùng gỗ quý cho đến các hoạt động sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ... các hoạt động liên quan đến phá rừng trên địa bàn nhiều huyện của  tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra công khai. Trên nhiều tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột và dọc tỉnh lộ 1 nhan nhản các điểm bán cây cảnh. Trong số những cây cảnh được bán như lộc vừng, sanh, si, bồ đề... có nhiều gốc bự, một người ôm không xuể; một số cây vừa mới được đưa về từ rừng, trơ trụi chỉ còn gốc do lá và cành đều bị cắt đi. Việc săn cây cảnh đang đem lại lợi nhuận cao đối với người đi rừng và chủ buôn, nên nhiều người dân đổ xô vào rừng tìm “hàng độc” đem về bán.

 

Ghé vào một điểm bán cây cảnh trên tỉnh lộ 1, có cảm giác ở đây như một khu rừng thu nhỏ nằm giữa buôn làng với nhiều loại cây to, nhỏ khác nhau được bày bán. Thấy một cây lộc vừng gốc lớn, cao gần 4m, chúng tôi hỏi bao nhiêu tiền, chủ vườn trả lời: “Trước đây, cây này chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng thời gian gần đây nhiều đại gia trên phố đổ xô đi mua cây nên giá cũng khác, 20 triệu đồng”.

 

Nói xong, chủ vườn chỉ tay vào nhiều gốc bồ đề lớn và nói tiếp: “Sở dĩ mấy cây gốc lớn được ưa chuộng vì “mốt” chơi cây “khủng” của nhiều đại gia. Những cây nhỏ dù có đẹp cũng không được chọn vì cây to cùng nhà cao cửa rộng để khẳng định đẳng cấp”. Khi được hỏi những cây cảnh này được lấy ở đâu, chủ vườn nói ngay: “Rừng Yok Đôn thiếu gì, chỉ sợ không có sức mà mang về”.

 

Sau cây cảnh, đến lượt thú rừng được liệt vào thú chơi mê hồn. Thú rừng càng đẹp, càng hiếm và nằm trong “sách đỏ” thì càng độc và vô giá. Các loại như đại bàng, khỉ đỏ đít, sáo, yểng... đang trở thành “hàng độc”, nhiều đại gia sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để săn thú “khủng” đem về nhà nhốt chơi.

 

Thú “chơi ngông” và nhiều bữa nhậu xa xỉ của các đại gia làm các loài thú đang phải khóc ròng trên núi rừng Yok Đôn. Hàng ngày, nhiều người dân đổ xô vào rừng bẫy thú theo đơn đặt hàng của những chủ buôn động vật hoang dã. Tìm đến một đại gia ở Bản Đôn, chúng tôi thấy nhiều loại động vật quý như: đại bàng, yểng, khỉ... được nuôi nhốt trong lồng, mỗi khi có khách đến chơi, chủ nhà lại khoe về giá trị của những “siêu thú” này.

 

Theo lời kể, một con chim yểng chưa biết nói có giá 1 triệu đồng, đại bàng loại hơn 1kg từ 4 đến 5 triệu đồng. Khỉ vài tháng tuổi có giá 2 triệu đồng. Ở TP. Buôn Ma Thuột và dọc tỉnh lộ 1, đoạn đường từ thành phố về Buôn Đôn xuất hiện nhan nhản các quán nhậu thú rừng, khách yêu cầu là có ngay. Động vật rừng đủ các loại đều bị săn lùng ráo riết. Thậm chí, người đi rừng có thể ăn nằm tại rừng để đốn những cây cổ thụ hoặc săn thú.

 

Rừng khóc than vì thú chơi “hàng độc” - 1

Rừng khóc vì thú chơi cây cảnh hàng khủng

 

Ngoài ra, các hoạt động tác chế đồ thủ công mỹ nghệ cũng đang làm cho rừng phải khóc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn có rất nhiều cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ, những tiệm này hoạt động công khai, chính là nơi tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Với nhiều loại sản phẩm như lục bình, sập gụ, tượng thần, tượng linh vật, lư hương, lọ hoa... và đặc biệt những món “hàng độc” cỡ lớn như lục bình siêu khủng cao 1,5 đến 2m, đường kính trên 30cm đang trong cơn sốt thực sự đối với nhiều đại gia.

 

Chúng tôi tìm đến một chủ tiệm lục bình nằm trên đường Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột và thấy nhiều gỗ quý được giấu sau nhà, trong gầm giường... được dân chơi đặt hàng từ lâu nhưng chưa kịp tiện. Vào vai một dân buôn, chúng tôi vờ hỏi giá thì được biết những món hàng có giá trên trời. Một cặp lục bình cao 1,5m, đường kính trên 30cm nếu là gỗ chiu liu hoặc lim có giá 12 triệu đồng, nếu là gỗ hương là 30 triệu đồng. Một ông phật Di Lặc gỗ cẩm có giá 15 triệu đồng. Theo tiết lộ riêng của chủ cửa hàng: “Chú em muốn chơi hàng “xịn” anh cũng có, thủy tùng một cặp 200 triệu đồng”. Nghe thấy hàng “khủng” tôi rợn người và hỏi: “Hàng quốc cấm không may bị bắt thì sao?”. “Chú mày cứ yên tâm, anh sẽ lo từ A đến Z, đảm bảo thông suốt, nhanh gọn”.

 

Rời cửa hàng này, chúng tôi tìm đến những tiệm trên đường Nguyễn Trường Tộ, Lê Thánh Tông... và được giới thiệu về những món hàng độc có một không hai. Người chủ cửa hàng trên đường Lê Thánh Tông kéo chúng tôi ra sau nhà cho xem cặp lục bình siêu khủng và nói: “Thủy tùng đó, nó là cặp duy nhất còn lại trong nhà, chúng tôi tính để lại chơi, nếu các anh muốn sở hữu thì tôi bán lại”. Nhìn cặp lục bình, nếu không phải dân chơi và hiểu biết về gỗ, khách hàng sẽ ăn phải món “thịt lừa” của chủ cửa hàng. Anh bạn đi cùng tôi kéo lại và nói: “Nếu là thủy tùng xịn có vân rất đẹp, tựa như bức tranh thủy mặc. Đặc trưng của gỗ thủy tùng là có mùi thơm hắc, gỗ mềm, dẻo, rất bền, không bị mối mọt... nên phải là đại gia đẳng cấp mới mua nổi. Nhiều đại gia còn xem chúng là linh vật trong nhà trừ các loại tà ma”. Nói xong, anh bạn phân tích tiếp: “Sở dĩ trên thị trường xuất hiện nhiều lục bình giả thủy tùng vì công nghệ làm giả tương đối dễ. Chỉ cần dùng các loại gỗ thường làm thành lục bình và tạo những đường vân thủy mặc, sau đó phun sơn màu là có một cặp lục bình như gỗ thủy tùng”.

 

Chúng tôi tìm đến nhà một chủ buôn gỗ tên T. trên địa bàn buôn Ema, Krông Ana và gặp gỡ một dân chơi thứ thiệt. Trong nhà được trang trí tất cả bằng gỗ quý; từ cầu thang, sàn nhà, vách nhà cho đến những bộ bàn ghế, lục bình, tượng thần linh đều từ gỗ hương.

 

Rừng khóc than vì thú chơi “hàng độc” - 2
Cơn sốt lục bình đang từng ngày tàn phá rừng

 

Hệ lụy khôn lường

 

Thực trạng bức tử rừng quốc gia Yok Đôn trong thời gian qua tới mức báo động, là hồi chuông nhắc nhở các cơ quan chức năng về công tác khai thác, bảo vệ tài nguyên rừng. Các hoạt động liên quan đến phá rừng như săn lùng gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã, tìm cây cảnh, buôn bán và vận chuyển sản vật rừng là nguyên nhân làm cho các loài động thực vật quý hiếm ở nơi đây có nguy cơ tuyệt chủng. Về mặt xã hội, cuộc chiến giữa các “đại ca” vùng gỗ, tình trạng săn “hàng độc” từ sản vật rừng sẽ khiến lâm tặc ngày càng hung hăng, thể hiện tính côn đồ bất chấp pháp luật. Bên cạnh đó, nghề rừng cũng làm thương tật và cướp đi nhiều sinh mạng của lâm tặc.

 

Theo lời kể của người dân sống gần rừng Yok Đôn: nhiều người đi rừng, vì bất cẩn bị gỗ đè, lật xe, rồi rắn độc cắn... dẫn đến tàn tật suốt đời hoặc bỏ mạng nơi rừng xanh. Việc xuất hiện nhiều bến gỗ trên sông Sêrê Pốk sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân trên địa bàn, đồng thời làm cản trở, hủy hoại môi trường sinh thái, làm xấu hình ảnh của một địa danh du lịch nổi tiếng trên cả nước.

 

Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi trường, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn đói kém, lụt lội, nạn voi bỏ rừng về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản. Việc hủy hoại những lâm sản dưới tán rừng đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, dẫn đến sự biến đổi khí hậu thất thường, bão lụt, lũ quét, lở đất và phát sinh nhiều loại dịch bệnh. Bên cạnh những nguyên nhân như đặc điểm địa lý, biến đổi khí hậu khiến tình trạng mưa lũ ở Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt, còn có nguyên nhân trực tiếp của con người. Nạn phá rừng, đặc biệt rừng đặc dụng để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện... làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn.

 

Rừng khóc than vì thú chơi “hàng độc” - 3
Đại bàng đang là mục tiêu săn lùng của nhiều đại gia

 

Rừng là tài nguyên vô giá của quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt, không hiểu sao vườn Yok Đôn vẫn ngày đêm chịu sự “oanh tạc” của lâm tặc, chẳng lẽ các cơ quan chức năng địa phương đành bất lực? Thực trạng đau lòng trên là bức tranh xấu về tài nguyên rừng, đến bao giờ rừng nơi đây sẽ thôi bị tàn phá?

 

Đem vấn đề này trao đổi với ông Y Si Thắt Ksơr, Phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Việc rừng quốc gia Yok Đôn đang bị tàn phá là có thật, mặc dù chúng tôi vẫn thường xuyên đôn đốc, phối hợp, tổ chức các buổi tập huấn bàn về các kế hoạch bảo vệ rừng nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.

 

Theo ông Ksơr: “Sở dĩ rừng bị tàn phá như vậy bởi chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm của mình nên mới để xảy ra tình trạng trên. Cần quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc, đặc biệt là chủ rừng, cần kiện toàn bộ máy thật sự trong sạch để trả lại bình yên cho rừng. Chúng tôi chỉ có vai trò cùng phối hợp và đề ra các phương án cùng bảo vệ rừng”.

 

Ông còn nhấn mạnh: “Rừng không phải của riêng ai, là lợi ích chung của quốc gia nên cần sự chung tay của toàn xã hội trong công tác bảo vệ rừng. Cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân ở vành đai rừng để họ yên tâm sinh sống, đồng thời đi sâu vào tuyên truyền giáo dục cộng đồng về tác hại của việc phá rừng, từ đó giúp người dân hiểu rõ vai trò và lợi ích của rừng”.

 

Theo Công an TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm