1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Rừng ảo!

Hơn 13 năm, các dự án trồng rừng ở Quảng Nam đã không thực hiện được mục tiêu của Chính phủ. Hàng nghìn hecta đất trồng rừng theo dự án nay chẳng thấy rừng đâu, trong khi cả trăm nghìn hộ nông dân nghèo không có đất sản xuất.

Nhiều huyện ở Quảng Nam nơi triển khai dự án trồng rừng 327, PAM 4304, trên hồ sơ, sổ sách nghiệm thu, quyết toán thì có rừng, còn trên thực địa chỉ là những khu đồi núi phủ đầy dây leo và cây dại. Nhằm xử lý rừng dự án không hiệu quả, huyện Hiệp Đức thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ diện tích rừng dự án. Lãnh đạo huyện đã báo cáo kết quả, đồng thời gửi văn bản cho UBND tỉnh ra “tối hậu thư” rằng sau 15 ngày, nếu tỉnh không trả lời thì huyện “tự xử” lấy.

 

Quá thời hạn vẫn không thấy tỉnh trả lời nên vào giữa tháng 9/2005, nông dân nghèo ở các xã Phước Gia, Phước Trà... đã tự ý phát đốt hơn 200 ha đất rừng không hiệu quả để trồng lại rừng mới. Mặc dù chủ dự án phản đối quyết liệt, nhưng chính quyền các cấp ở huyện phải làm ngơ.

 

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra huyện Hiệp Đức, hiện có 1.116 ha rừng trồng của các dự án 327, PAM 4304 có đầy đủ hồ sơ, sổ sách, nhưng trên thực tế lại không có rừng. Cụ thể, dự án rừng 327 tại 6 xã của huyện, với diện tích rừng trên hồ sơ là 565,1 ha của 305 hộ tham gia, thì không hề có rừng. Tại xã Phước Gia, dự án rừng 327 do Chi cục Định canh định cư làm chủ đầu tư với diện tích 200 ha, nhưng kiểm tra thực tế cũng chẳng thấy cây rừng nào.

 

Còn dự án PAM 4304 triển khai tại 7 xã trên diện tích 340,1ha giao cho 63 hộ dân và 70,1ha giao cho Trung tâm 05-06 thực hiện thì kiểm tra thực tế chỉ có 58,7ha được xem là có hiệu quả kinh tế, mà theo đoàn công tác là nếu thanh lý cũng được 100 triệu đồng. Nếu tính số tiền đầu tư 2,5 triệu/ha thì số tiền thu được trên diện tích ít ỏi ấy sau hơn 13 năm không bằng số tiền đã đầu tư ban đầu.

 

Một cán bộ lãnh đạo của huyện Hiệp Đức bức xúc cho rằng, 1.116 ha rừng trồng dự án không hiệu quả là một lãng phí ghê gớm, đã làm nhân dân huyện ngày càng nghèo thêm. Với mức đầu tư mỗi hecta rừng dự án là 2,5 triệu đồng, thì với 1.116 ha, Nhà nước đã bỏ ra hơn 2,5 tỷ đồng.

 

Còn nếu tính số tiền đầu tư trồng rừng hàng trăm nghìn hecta ở 16 huyện thị của tỉnh Quảng Nam trong hơn 10 năm qua, ít nhất cũng trên 100 tỷ đồng. Đó là chưa nói sự lãng phí về đất đai. Với 1.116 ha đất rừng kia, nếu giao cho nông dân trồng và quản lý, chỉ sau 7 năm người nông dân Hiệp Đức đã có trong tay gần 56 tỷ đồng (bình quân thu nhập mỗi hecta 50 triệu đồng).

 

Đó mới chỉ ở một huyện, nếu kiểm tra trên toàn tỉnh hẳn diện tích rừng trồng trên giấy sẽ lớn rất nhiều lần. Đặc biệt có một diện tích lớn đất rừng được các quan chức địa phương và những người có thế lực phù phép biến thành đất của mình, có sổ đỏ hẳn hoi, nhưng hiện vẫn chưa thống kê được.

Đất thiếu rừng, dân thiếu đất

Sau nhiều lần đắn đo, ông Mạc Văn Tơ, một nông dân Cơ Tu ở xã Ba, huyện Đông Giang, quyết định đem cây keo trồng trên diện tích 0,5 ha đất rừng gần nhà, nơi trước đây là rừng của dự án 327. Ông Tơ lý luận: “Rừng không hiệu quả thì mình trồng lại, Nhà nước có bắt tù thì chịu, chứ bỏ đất trống như thế này tiếc lắm”.

 

Trường hợp của ông Tơ không phải là duy nhất xâm phạm đất rừng thuộc các dự án trồng rừng 327, 661 ở Đông Giang. Diện tích đất trồng rừng dự án không hiệu quả, chiếm diện tích hàng trăm nghìn hecta tại các địa phương, trong khi người nông dân dù không đất sản xuất cũng không được phép đụng đến đất rừng dự án. Nhiều cán bộ ở các huyện ví von: “Những dự án kia đã chết nhưng không thể chôn được vì vướng nhiều chuyện nhạy cảm, khó nói”.

 

Ông Phan Văn Chiến, trưởng thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang, cho biết, nếu lấy đất rừng dự án không hiệu quả giao cho dân, thì chủ dự án biết phải ăn nói ra sao với dân và lấy gì để báo cáo kết quả công tác trồng rừng với cấp trên? Chỉ tại làng Tống Cói, một ngôi làng nhỏ của người Cơ Tu, đã có đến hơn 40 ha đất rừng dự án 327, 661 không hiệu quả. Nhiều tờ trình gửi lên tỉnh kiến nghị bàn giao cho người dân phát triển trồng rừng kinh tế, nhưng nhiều năm nay vẫn không có hồi âm.

 

Theo Hoài Nhân - Phan Hoàng
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm