Rục rịch tăng giá đón đầu tăng lương
Phải hơn 2 tháng nữa mới áp dụng chế độ tiền lương mới nhưng thực tế người lao động đã phải hứng chịu một cơn bão giá từ trước. Chưa hết, ngay sau thời điểm công bố quyết định nâng lương cơ bản, thị trường đã và tiếp tục "dọa" một đợt tăng giá mới.
Sáng 24/10, chúng tôi đã có cuộc khảo sát một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ trong nội thành Hà Nội.
Liên tục các đợt sóng tăng giá
Tại chợ Hàng Bè, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh rau quả, hàng khô tỏ vẻ ngán ngẩm vì hàng hoá ế ẩm. Giá nhập hàng liên tục tăng, họ phải nâng giá bán khiến sức mua giảm mạnh. Nhiều người mua hàng cũng kêu trời.
Mặt hàng rau cũng tăng lên chóng mặt. Với cái cớ hết sức chính đáng là trận mưa lụt vừa qua đã phá hỏng nhiều ruộng rau khiến cho nguồn hàng khan hiếm, nên những người bán hàng đua nhau tăng giá. Thế nhưng khi trận lụt đã đi qua, những người bán hàng lại cố tình kéo hậu quả của nó dài mãi mãi.
Thịt lên, rau lên, các cửa hàng ăn cũng tăng giá lên vùn vụt, các cửa hàng cơm bình dân, cơm văn phòng cũng lấy cớ thực phẩm đắt đỏ để nâng một suất ăn hoặc bớt xén thức ăn của khách. Người tiêu dùng lao đao trong một cơn tăng giá mới.
Theo các chuyên gia về tiền lương: Việc điều chỉnh lương cơ bản từ 1/1/2008 chỉ là mức sàn thấp nhất để doanh nghiệp thương lượng với người lao động và chỉ tác động đến việc chi trả BHXH, chứ không phải là tăng lương (vì hiện các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương cơ bản).
Việc tăng lương tối thiểu chỉ nâng mức phí đóng BHXH của doanh nghiệp cho lao động, chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng không đáng kể từ 0,25% đến 0,5%. |
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 24/10, một chuyên viên của Phòng kinh doanh gas dân dụng của Petrolimex cho biết: Hiện nay, giá gas giao bán trên thị trường Trung Đông của tháng này đã tăng lên 80USD/ tấn so với tháng trước.
Đến thời điểm này, chưa thể khẳng định được là xu hướng sắp tới của giá gas nhưng theo quy luật, giá cả trong nước sẽ lên xuống theo biến động của thị trường thế giới.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm: Bộ Tài chính đang có chủ trương giảm thuế nhập khẩu năng lượng từ 5% xuống còn 2%, và theo đúng lịch trình thì sẽ giảm bắt đầu từ ngày 1/11. Nếu chủ trương này được thực hiện, thì số tiền giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp cho giá thành của mỗi tấn gas hạ xuống 20USD.
Như vậy, so với mức tăng là 80USD/tấn, thì sau khi hạ thuế nhập khẩu, giá gas vẫn còn tăng so với tháng trước là 60USD/tấn. Với mức giá này, việc giảm giá gas trong thời gian tới là điều không tưởng.
Đi chợ như bị đánh rơi tiền
Đó là nỗi lo lắng của rất nhiều bà nội trợ trước cơn "bão giá". Chị Hồng Hải, một công chức ăn lương hành chính 100% than thở: hai vợ chồng chị đều là viên chức nhà nước, thu nhập mỗi tháng cả hai vợ chồng cũng chưa đầy 5 triệu đồng.
Tiền thuê nhà, điện nước, tiền sữa cho con nhỏ, tiền học cho thằng lớn và hàng trăm khoản khác đã khiến chị hụt hơi, đi chợ cũng phải trả lên trả xuống, bớt xén số lượng mới hy vọng đủ chi tiêu. Các mặt hàng kéo nhau tăng giá khiến mỗi lần đi chợ, chị có cảm giác như bị đánh rơi tiền. Cứ đà này, thời gian tới anh chị không biết sẽ xoay xở thế nào.
Trong các mặt hàng, sữa được quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua với nhiều đợt tăng giá trong năm. Để ghìm việc tăng giá sữa cũng như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu và mới đây nhất Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục giảm thuế nhập khẩu một loạt sản phẩm sữa bao gồm sữa thành phẩm và nguyên liệu chế biến sữa, với mức giảm tối đa đến 50% so với mức thuế vừa điều chỉnh từ cách đây hơn 2 tháng.
Người tiêu dùng thì khấp khởi mừng, nhưng thực tế giá sữa trên thị trường vẫn giữ giá sau đợt tăng giá gần đây nhất. Chủ một đại lý sữa trên phố Hàng Buồm cho chúng tôi biết: Trong tháng 10, có hai hãng sữa giảm giá: hãng Mead Jonson giảm sản phẩm sữa Enfa thường: giá 1 hộp Enfa 1,8kg từ 408.000 đồng/hộp xuống 324.000 đồng/hộp; hãng Abbott giảm sản phẩm Ensure.
Nhưng theo chị, sản phẩm giảm giá lại là mặt hàng bán không chạy, người tiêu dùng không ưa chuộng và các nhà nhập khẩu đã dừng nhập loại sản phẩm này. Vô hình trung giảm giá chỉ là chiêu tiêu thụ nốt số sản phẩm đã nhập về. Người tiêu dùng vẫn phải mua sữa giá cao khi mà thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa đã được giảm.
Theo Lệ Thúy - Tố Quyên
Báo Công an Nhân dân