1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rồng rắn xếp hàng đóng tiền điện

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu giờ sáng các ngày từ 20-24 hàng tháng, hàng nghìn hộ dân khu đô thị mới Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) lại chen chân để được nộp tiền điện. Không ít người phải nghỉ việc để xếp hàng hoặc “thuê” người nộp hộ…

Nghỉ làm, chen chân… nộp tiền điện

Cứ đến sáng ngày 20 hàng tháng, tại cơ sở 2 điện lực Hà Đông (104 phố Nguyễn Khuyến, quận Hà Đông, TP Hà Nội), người dân lại tấp nập, chen chúc đi nộp tiền điện. Vì chỉ thu tập trung tại một điểm, trong khi số lượng khách hàng lại đông, nên khó tránh khỏi cảnh chen lấn, tranh giành.
 
Rồng rắn xếp hàng đóng tiền điện - 1
Trong 4 ngày thu tiền điện chính thức, đông đúc nhất là vào đầu giờ sáng. Thời gian còn lại khá vắng vẻ do chỉ có một số ít người dân không bị bó buộc vào thời gian đến nộp (Ảnh: H.Hải) 

Dù thời gian nộp tiền điện kéo dài 4 ngày, nhưng vì tâm lý chung, cứ đến lịch là đi nộp tiền, nên ngày đầu tiên luôn “căng thẳng” nhất.

Chị Hải sống ở khu nhà CT2A cho biết, hôm đến lịch thu tiền điện, chị đã phải đi làm sớm hơn bình thường nhưng lần nào ra tới nơi thì cũng đã đông nghịt người quây quanh 2 bàn thu tiền. Có hôm “liều”, chị nán lại thêm gần tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới lượt nộp, đành vội vàng leo lên xe phóng đi làm. Chiều chị lại trốn sếp về sớm nhưng khi về tới nơi thì đã hết giờ làm việc. Chị than, một ngày ăn gian của cơ quan tới 2 tiếng làm việc mà vẫn không nộp xong tiền điện; nhiều tháng phải vòng đi vòng lại điểm nộp tiền tới 3-4 lần mới đến lượt mình.

Chị Tú nhà ở CT7B cũng chia sẻ: Mỗi tháng nộp tiền điện với gia đình chị là cả một cực hình. Vợ chồng chị đều là công chức nhà nước, hai đứa con thì còn nhỏ. Cứ đến ngày sực nhớ ra phải nộp tiền điện là anh chị cuống quýt, cắt cử một người đưa hai con đi lớp, còn một người đi làm sớm hơn tiếng đồng hồ để đợi nộp tiền. Tháng nào may mắn mới nộp được luôn, còn thường thì phải đi 2-3 lượt mới nộp được.

Cảnh chen chúc, đợi chờ để nộp tiền điện đã trở nên rất quen thuộc với người dân khu đô thị Văn Quán. Nhiều người do không sắp xếp được thời gian đành thuê người khác nộp hộ với giá thuê từ 5 - 7 nghìn đồng/lần, hoặc cao hơn nữa tuỳ giá trị của hoá đơn tiền điện tháng đó.

“Suốt hơn 2 năm trời vật lộn với việc đi đóng tiền điện, mới đây, tôi đã thuê được người đi nộp tiền điện mới thấy nhẹ người. Thôi đành trả họ gần chục nghìn tháng, đỡ phải nghỉ việc, đợi chờ nộp tiền điện”, một người dân sống tại khu đô thị cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện có khá nhiều người đứng ra “thầu” đóng hoá đơn điện cho các hộ gia đình sống cùng khu nhà. Như anh chị Nam - Hoa ở CT2A đứng ra nộp hộ cho gần 30 hộ sống trong cùng dãy nhà. Dù mất tiền thuê nhưng mọi người đều rất thoải mái vì anh chị đã tiết kiệm cho họ rất nhiều thời gian cũng như phiền toái cho việc này.

“Làm theo nếp cũ”

Quận Hà Đông tổ chức thu tiền điện trong 4 ngày, từ 20-24 hàng tháng tại địa điểm là các phường.

 

Trong thời gian này, khách hàng không đến nộp sẽ nhận được phiếu báo nếu không nộp tiền điện sẽ bị cắt điện, và điện lực quận Hà Đông tổ chức thu vét tại 104 Nguyễn Khuyến từ 25 đến cuối tháng, trừ chủ nhật.

Đó là trả lời của ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Điện lực quận Hà Đông trước thắc mắc của người dân về việc thu tiền điện theo hình thức tập trung này. Hà Đông hiện là một quận của Hà Nội, trong khi điện lực các quận khác của Hà Nội đều tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, bằng cách thu tiền điện tại nhà, còn quận Hà Đông vẫn thu tập trung gây không ít khó khăn cho người dân.
 
Ông Bình cho biết, từ mấy chục năm nay, Hà Đông vẫn duy trì cách thu này. Với khoảng 50 ngàn khách hàng tại khu vực này, điện lực Hà Đông chưa tiến hành thu tại gia đình một trường hợp nào và tỉ lệ thu vẫn được 97 - 98%.
 
“Dù cùng một giá bán điện, các quận khác thuộc Hà Nội đều có nhân viên đến tận nhà dân thu. Nhưng chúng tôi không làm theo, do rất khó tính mức phí trả cho người đi thu. Vì theo quy định, một xu cũng không được thu thêm, nhất nhất phải theo hoá đơn. Hơn nữa, chúng tôi là đơn vị cấp dưới, nếu cấp trên không có chỉ đạo gì, chúng tôi vẫn sẽ làm theo nếp cũ. Còn trong trường hợp Công ty Điện lực Hà Nội cho chúng tôi thêm biên chế, chỉ đạo tăng biên chế, bắt buộc phải đến nhà dân thu tiền điện, ra văn bản quy định chúng tôi sẽ làm theo”, ông Bình nói.
 
Còn hiện tại, theo ông Bình, dù Điện lực Hà Đông cũng có nhận được ý kiến của một số người dân về hình thức thu tiền điện tập trung rất bất tiện cho khách hàng, nhưng là một đơn vị sản xuất, điện lực Hà Đông hoàn toàn phải theo quy định công ty điện lực Hà Nội. Nếu Công ty không có biên chế thêm, không có văn bản yêu cầu thì điện lực Hà Đông vẫn sẽ làm theo nếp cũ, là thu tại các điểm tập trung tại các phường trên toàn quận, chứ không riêng gì khu vực Văn Quán. Nhiều người dân vẫn thuê người khác đi nộp tiền, điều này không có gì sai. Họ có thể thuê bất cứ ai, miễn là nộp đủ số tiền sẽ được trả hoá đơn.
 
Hồng Hải