1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Rộn ràng rước kiệu đền Cao

(Dân trí) - Lễ hội rước kiệu đền Cao (thôn Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) diễn ra từ 21-25 tháng Giêng âm lịch, nhằm suy tôn Thành hoàng làng và 5 vị tướng họ Vương.

Theo gia phả đền Cao thì nơi đây còn là chốn linh thiêng gắn với sự ra đời của 12 dòng họ Giao Chỉ thời Bắc thuộc và địa danh cổ được khắc ghi trong lịch sử.

 

Để tưởng nhớ đến cha ông ta, hàng ngàn người con xứ Đông đã đến tham dự lễ rước kiệu từ đền Cả về đền Cao - là đền thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh, một di tích lịch sử có hơn 1.000 năm tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa rừng lim già cổ thụ vài trăm năm tuổi.

 

Đền Cao cùng với đền Cả, đền Bến Cả, đền Bến Tràng tạo nên một cụm di tích danh thắng gắn liền với cuộc đời của năm vị tướng là năm anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân xâm lược Tống (năm 981): Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Qua thời gian, cuộc đời cùng chiến công của những vị danh tướng đã được nhân dân huyền thoại hóa để tỏ lòng tôn kính và được truyền tụng đến tận ngày nay.

 

Đúng 7 giờ 30 phút ngày 23 tháng Giêng, lễ khai hội truyền thống Đền Cao được bắt đầu với 3 hồi chiêng trống. Sau phần dâng hương tại Đền Cả, các kiệu bắt đầu rước về Đền Cao, đi đầu là đội cồng và kỳ lân, tiếp theo là các kiệu. Đám rước đi qua đền Cả, đền Bến Cả, đền Bến Tràng rồi mới về Đền Cao để làm lễ dâng hương Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh - người anh cả của 5 anh em họ Vương.

 

Trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Cao nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ được tổ chức để phục vụ du khách như: hát quan họ, hát chèo và các trò chơi dân gian khác.
 
Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 1


Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 2


Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 3


Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 4


Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 5

Rộn ràng rước kiệu đền Cao - 6

 

Hoàng Chiên