Tân Hóa là một xã miền núi của huyện Minh Hóa với đặc thù là địa bàn thấp trũng, hễ gặp mưa lớn, phía hạ nguồn lưu thông chậm là bị ngập úng nghiêm trọng. Những năm qua, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa phải gánh chịu nhiều khó khăn do bị thiên tai tàn phá. Đặc biệt, nhiều địa bàn như thôn Cổ Liêm, thôn Yên Thọ 1, 2, 3, 4 và 5 luôn nằm trong diện bị ngập sâu. Nhiều người dân phải vào hang đá, lên núi sống để tránh lũ.
Còn nhớ trận "đại hồng thủy" năm 2011, nhiều nơi nước dâng lên đến gần chục mét nên người dân vùng "rốn lũ" Tân Hóa phải lên nóc nhà tránh lũ (Ảnh: Đặng Tài)
Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão các năm gần đây, chính quyền địa phương đã vận động người dân làm nhà bè để có thể yên tâm sống chung với lũ. Quyết định đưa ra được đông đảo bà con hưởng ứng. Đây là phương án tối ưu và phù hợp nhất với cuộc sống người dân nơi đây. Việc xây dựng nhà bè ít tốn kém và có thể ứng phó với thiên tai một cách chủ động hơn. Đây cũng là một trong những phương châm “4 tại chỗ” do Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa đưa ra.
Ngay từ giữa tháng 8, người dân đã hết sức khẩn trương mua gỗ, tôn, thùng phuy và các vật dụng thiết yếu khác để làm cho mình những ngôi nhà bè nhằm đề phòng lũ có thể đến sớm. Hiện nay, cơ bản những ngôi nhà bè tránh lũ đang được gấp rút hoàn tất khâu cuối cùng.
Những ngôi nhà nổi như thế này sẽ giúp người dân xã Tân Hóa chủ động hơn trước mùa mưa lũ sắp tới
Còn nhớ các trận “đại hồng thủy” năm 2010 và 2011, mực nước dâng cao 5 – 6 m khiến cả xã Tân Hóa chìm trong biển nước, kéo dài hàng tháng trời. Có nơi ngập sâu đến tận nóc nhà gây thiệt hải nhiều tài sản lẫn cây trồng vật nuôi. Hàng trăm hộ dân phải kéo nhau lên hang đá gần đó để tránh lũ trong tình trạng thiếu lương thực, đói rét nhiều ngày liền.
Những ngày qua, PV Dân trí đã có mặt tại xã Tân Hóa và chứng kiến không khí làm nhà bè tránh lũ của người dân. Tại thôn Yên Thọ 1, bà con đã hoàn thành xong hàng chục ngôi nhà như thế và sẵn sàng ứng phó với mùa mưa lũ năm nay. Anh Trương Quốc Huy mới hoàn thành xong chiếc nhà bè cách đây mấy hôm cho biết, mùa lũ năm nay tôi và nhiều bà con xã Tân Hóa có thể an tâm hơn trong những ngôi nhà nhỏ này. Những năm trước do nước lũ ngập sâu và kéo dài nên bà con phải kéo nhau lên hang đá tránh lũ. Mình công tác xa nhà nên phải lo cho vợ và con ổn định chỗ ở trong mùa mưa bão tới, đề phòng có công việc đột xuất không về được thì cũng an tâm hơn.
Việc làm nhà nổi tránh lũ cũng không mấy khó khăn, người dân có thể tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của gia đình để thiết kế nhà to hơn, hay chỉ vừa đủ cho sinh hoạt. Như ngôi nhà nổi của anh Huy rộng chừng 20 m2, cao 1,5 m, bên dưới được thiết kế ghép với 15 chiếc thùng phuy đảm bảo vừa đủ cho 5 người sinh hoạt. Anh cho biết, mọi chi phí từ mua vật liệu như mái tôn, phuy, gỗ, ván và công thợ hết khoảng 30 triệu đồng.
Những ngôi nhà tránh lũ được thiết kế đơn giản như thế này chỉ mất từ 2 - 3 triệu đồng và đang được gấp rút hoàn thành
Một số hộ ít có điều kiện thì có thể làm nhà với diện tích nhỏ hơn, lượng phuy làm nổi có thể từ 7 - 8 chiếc, diện tích từ 10 đến 12 m2. Nhà to hơn nữa thì gắn khoảng 12 – 13 chiếc phuy để có thể đảm bảo an toàn nhà sẽ nổi theo mực nước dâng. Nhà được buộc dây quanh mấy cọc cố định để không bị di chuyển khi gặp nước xoáy và bị trôi. Nhiều hộ dân ở thôn Yên Thọ 1 như hộ anh Trương Minh Phương, Trần Xuân Lam cũng đã thiết kế và làm cho mình ngôi nhà nổi để đề phòng mưa lũ.
Tương tự, người dân tại thôn Cổ Liêm, thôn Yên Thọ 2, 3 và 4 cũng đang gấp rút hoàn thành việc làm nhà nổi tránh lũ. Một hộ dân tại thôn Cổ Liêm cho hay, nhà anh chỉ có 3 người sinh hoạt nên làm nhà nhỏ hơn, diện tích chỉ chừng 12 m2 và đang hoàn tất mái lợp. Để hoàn thành xong ngôi nhà tránh lũ này anh ước tính mất hơn 15 triệu. Có nhà thiết kế nhỏ như chiếc chòi canh, dưới gắn 4 chiếc phuy thì chỉ mất 2 – 4 triệu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phó Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Minh Hóa cho biết, hiện tại mọi công tác chuẩn bị ứng phó với mùa lũ lụt năm nay về cơ bản đã được hoàn tất. Riêng đối với "rốn lũ" Tân Hóa, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của mùa mưa lũ, chính quyền địa phương đã vận động làm gần 300 ngôi nhà bè tránh lũ, xây dựng 2 khu nhà tập thể để người dân ở khi lũ lớn xuất hiện.
Với gần 300 nhà tránh lũ, từ nay người dân vùng "rốn lũ" sẽ không còn phải chạy lên nóc nhà tránh lũ khi mùa mưa bão về nữa (Ảnh: Đặng Tài)
Những địa bàn thường xảy ra ngập úng như xã Minh Hóa, Hóa Thanh, Thượng Hóa, Hóa Tiến, Trung Hóa, Hồng Hóa,… cũng được chính quyền địa phương chỉ đạo và thực hiện các phương ứng phó với lũ. Các địa bàn có thể xảy ra hiện tượng lũ quét, lũ ống như: thôn Lạc Thiện, xã Minh Hóa; bản Phú Minh, xã Thượng Hóa; bản Lé, Hưng, Cha cáp xã Trọng Hóa,…cũng đã được dự phòng các phương án ứng phó khi lũ về. Những khu vực thường xảy ra sạt lở đất như: thôn Tăng Hóa, Đặng Hóa của xã Hóa Sơn, tiểu khu 2, 4 và 5 thị trấn Quy Đạt; thôn Yên Thọ 1 và 4 xã Tân Hóa… người dân cũng đang được di dời đến nơi an toàn. Mới đây chính quyền địa phương đã thực hiện di dời cho 20 hộ dân xã Hóa Sơn, nơi xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng nhất đến nơi an toàn.
Nhìn chung người dân Minh Hóa đã chủ động đón lũ. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, chính quyền và người dân nơi đây không nên chủ quan, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc trước sự hung dữ của thiên tai.
Đăng Đức - Đặng Tài