1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Tĩnh:

“Rốn lũ” khốn đốn vì hồ đập... cạn nước

(Dân trí) - Nhiều hồ đập trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cạn kiệt đang khiến người nông dân ở vùng “rốn lũ” này gặp nhiều khó khăn do hàng trăm ha lúa hè thu hiện chưa thể xuống giống.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện hiện có 147 hồ, đập cỡ trung và tiểu thủy nông. Do thời tiết khô hạn từ đầu năm đến nay cộng với thực trạng hồ đập xuống cấp sau hai trận lũ lịch sử vào năm 2010, nên vào thời điểm này Hương Khê có 56 hồ, đập nhỏ cạn nước, số còn lại chỉ đạt 20 - 30% so với thiết kế.
 
“Rốn lũ” khốn đốn vì hồ đập... cạn nước - 1
Hầu hết mực nước trên các hồ đập thủy lợi ở huyện Hương Khê xuống rất thấp khiến việc cung ứng nước sản xuất vụ Hè thu cho bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn
 
Việc thiếu hụt nguồn nước ở các hồ, đập đang đẩy đời sống nông nghiệp của huyện Hương Khê vào tình thế hết sức khó khăn. Ông Lê Tiến Đài - Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết, vụ hè thu này, toàn huyện Hương Khê đặt chỉ tiêu gieo cấy 1.300 ha lúa hè thu, 1.100 ha lúa mùa, 3.000 ha đậu, 450 ha ngô. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn nước ở các hồ đập nên toàn huyện sẽ có từ 500 - 600 ha lúa thiếu nước trầm trọng phải chuyển sang trồng đậu, trong đó có vài trăm ha là bất khả kháng.
 
Những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sản xuất tại huyện Hương Khê phải kể đến các xã Phương Mỹ, Phúc Trạch, Hà Linh, Lộc Yên, Hương Liên. Theo dự báo nếu thời gian tới các hồ đập trên địa bàn không được bổ sung một lượng nước mưa lớn thì các xã   này sẽ có từ 30 đến 120 ha diện tích trồng lúa bị thiếu nước.
 
“Rốn lũ” khốn đốn vì hồ đập... cạn nước - 2
Hạn hán khiến thượng nguồn sông Ngàn Sâu cạn kiệt. Hàng trăm ha phía dưới hạ nguồn con sông này thiếu nước trầm trọng. 
 
Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do tình trạng hạn hán gây ra hiện UBND huyện Hương Khê đang khẩn trương rà soát lại nguồn nước để xây dựng lại chỉ tiêu theo hướng: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ gắn với sử dụng các giống ngắn ngày và có khả năng chống hạn; hướng dẫn bà con nông dân tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương đảm bảo mặt cắt thiết kế, đắp chặn các trục tiêu nội đồng để tận dụng nước hồi quy, đặc biệt là triệt để tiết kiệm nước; ưu tiên các vùng thấp lụt đủ nước để cấy trước nhằm đảm bảo thu hoạch trước mùa mưa bão; huy động các nguồn lực dự phòng để bơm, tát nước chống hạn.
“Rốn lũ” khốn đốn vì hồ đập... cạn nước - 3
Theo dự báo, nếu trong ít ngày tới không có mưa lớn trên diện rộng huyện Hương Khê sẽ có từ 500 đến 600 ha lúa buộc phải chuyển đổi cây trồng.

Về các giải pháp kỹ thuật, do thiếu nước trầm trọng nên UBND huyện Hương Khê buộc phải tiết giảm mạnh diện tích trồng lúa thay vào đó là trồng đậu (ở những vùng có khả năng) và vùng không thể chuyển sang trồng đậu được thì tiến hành làm ngô luống cao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ hoang diện tích.

Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết, rút kinh nghiệm về một số tồn tại trong việc cung ứng giống, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong vụ đông - xuân vừa qua ở một số địa phương, huyện đã có công văn đôn đốc kiểm tra chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát thị trường nhằm đưa hoạt động này đi vào nề nếp, góp phần đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân.
 
Văn Dũng - Đặng Tài