1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rau càng ngon, càng đáng sợ!

Lần theo quy trình trồng rau cần tại một vài làng truyền thống ở Hà Nội mới thấy nực cười. Người mua cứ đua nhau bỏ ra số tiền gấp 2, 3 bình thường để được thưởng thức một bữa "rau sạch", nhưng chính người trồng rau lại không dám ăn!

Nói "không phun thuốc" là... bốc phét

 

Ngày 4/3, trong vai một người muốn đi tìm mối rau sạch, đảm bảo chất lượng, tôi đã được giới thiệu đến thôn Bằng B, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (trước thuộc huyện Thanh Trì). Anh Hùng - chạy xe ôm, nhưng gia đình cũng trồng rau - khi biết ý định của tôi, đã chỉ dẫn: "Muốn đảm bảo chất lượng rau thì tốt nhất là phải đặt hàng, chứ không thì nhà nào cũng phun thuốc hết". Hỏi ra, thuốc nghĩa là cả thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng nhập lậu hoặc không đúng quy định.

 

Chị Hạnh nói thẳng với tôi: "Lúc sâu tăm tắp đã ăn lá cải mà dùng thuốc sâu bình thường thì 3 ngày sau, cả ruộng trụi hết, có mà chết đói. Còn đã trồng rau, ai nói không dùng thuốc thì có mà bốc phét".

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề có thể chứng minh rau sạch hay không, chị Huệ Th. - một đầu nậu rau ở làng Bằng B - cho biết cứ ra xã là lấy được chứng nhận ngay. Chị Huệ Th. còn cho biết: "Cách đây chỉ mỗi con sông, nhưng mấy làng bên Tam Hiệp, người ta lúc cắt rau bán phải đeo găng tay, nếu không sẽ bị mủn hết móng tay!".

 

Chỉ ăn rau sâu, rau già

 

Tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thị Thu Hồng cho chúng tôi biết vẫn thường gặp người dân phun thuốc "tăng phọt" - tên gọi nôm na của thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng - cho rau.

 

Chị Hồng tâm sự: "Con gái tôi đang học lớp 3, theo lời bà dặn, nó ra chợ nếu không tìm được người bán hàng quen, rau già và sâu thì không bao giờ mua. Thà ăn cơm không với nước mắm còn hơn".

 

Cách xã Vĩnh Quỳnh chỉ 2km, chúng tôi cũng không tìm được cửa hàng và những loại thuốc đặc chủng cho rau nói trên. Hoá ra, muốn mua chúng thì phải đến... Trung tâm Giới thiệu giống cây trồng (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam). Chị bán hàng hỏi kỹ chúng tôi mua bón cho rau gì, rồi hướng dẫn rất cụ thể, vì bao bì toàn tiếng Trung Quốc: "Tăng phọt thì cắt đến đâu, phun đến đấy, nhưng từ lúc phun đến cắt xong chỉ... 3 ngày thôi, chứ lâu hơn, rau bị đỏ. Nếu chưa bón phân gì khác, thì dùng phối hợp cả "béo lá" nữa".

 

Một nửa sự thật còn lại

 

Chúng tôi cũng đã tiếp cận được một nhóm nghiên cứu do Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững thực hiện tại thôn Bằng B, nghiên cứu về tác động của nước tưới tới chất lượng rau. 100% diện tích rau của xã Hoàng Liệt và Vĩnh Quỳnh đều do sông Tô Lịch - nước thải của TP. Hà Nội - cung cấp.

 

Chị Phạm Thị Tố Oanh - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: Nước sông Tô Lịch tưới rau cho toàn bộ khu vực trồng rau này là điểm cuối nhận nước thải của các nhà máy dệt nhuộm, sản xuất pin, ắcquy. Từ năm 1990 - 1998 đến nay, nước bắt đầu có mùi thối, ô nhiễm nặng.

 

Các mẫu rau mùng tơi, cải xanh, muống cạn, ngải cứu, muống nước cho thấy, việc sử dụng nước thải đô thị để tưới rau đã gây tích luỹ kim loại nặng trong các sản phẩm rau trồng. Hàm lượng chì (Pb) cao hơn tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới từ 37,97 - 49,22 lần; đồng (Cu) cao hơn 2,06 - 5,94 lần; cadimi (Cd) cao hơn 1,67 - 19,33 lần...

 

Chúng tôi cũng trích dẫn thêm thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật: "Số mẫu rau, quả tươi được kiểm tra ở Hà Nội có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 30 - 60%, số mẫu có dư lượng vượt quá tối đa cho phép khoảng 4 - 16%. Mẫu rau có hàm lượng asen quá quy định chiếm 22 - 33%, 100% mẫu đậu đỗ có hàm lượng NO3 quá giới hạn tối đa".  

 

Theo Nguyễn Hằng
Lao Động